Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa Tết

Cùng với việc trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết thì tân trang lư đồng là việc làm không thể thiếu của các gia đình.
nghe-danh-bong-lu-dong-vao-mua-tet-02-1672905841.jpg
Với nhiều người, nghề đánh bóng lư đồng mang lại tiền triệu mỗi ngày dịp cận Tết

Chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là giai đoạn “hái ra tiền” của những người chuyên làm nghề đánh bóng lư đồng có mặt trên khắp nẻo đường Đà Nẵng. Thời điểm này cũng là lúc dịch vụ đánh bóng lư đồng hoạt động khá rầm rộ. Những ngày này, các tuyến đường như Lê Duẩn, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Tôn Đức Thắng... hay ở các chợ tại Đà Nẵng xuất hiện nhiều thợ đánh bóng lư đồng trên vỉa hè.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (67 tuổi, ngụ tại Q. Thanh Khê) cho biết, ông làm thợ đánh lư đồng hơn 20 năm nay. Lư đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc thờ cúng cũng như dịp Tết nên khách hàng đến với ông đa phần là những người lớn tuổi. Ông Tuấn chia sẻ, dịp tết này từ ngày 15 tháng chạp mỗi ngày ông đánh từ 4-5 bộ, với giá từ 200.000-400.000 đồng tùy bộ lớn nhỏ, trung bình ông thu được khoảng trên dưới 1 triệu đồng/ngày.

nghe-danh-bong-lu-dong-vao-mua-tet-17-1672905841.jpg
Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa làm ăn cuối năm

Còn với anh Huỳnh Văn Truyền, một thợ đánh bóng lư đồng ở đường Tôn Đức Thắng cho biết, thường có hai dịch vụ đánh bóng đang phổ biến. Một là các điểm đánh bóng cố định được đặt ở các chợ, các khu đông dân cư, bến tàu xe… Hai là các dịch vụ đánh bóng lưu động len lỏi vào tận xóm ấp, các con hẻm tại các khu phố… Người hành nghề di chuyển bằng xe gắn máy, có người lại chọn giải pháp đi bộ để dễ len lỏi, cơ động vào tận hẻm sâu các con phố hay những địa hình trắc trở.

Theo chia sẻ của những người thợ chuyên đánh bóng lư đồng, thì hầu hết các gia đình đều có một bộ lư đồng để trên bàn thờ làm tăng thêm vẻ trang trọng khi thờ cúng ông bà, gia tiên. Tùy thuộc kinh tế gia đình mà kích thước, trọng lượng bộ lư lớn hay nhỏ, hoa văn, hoạt tiết cũng khác nhau. Một số gia đình khác lại sử dụng các bộ lư bằng thau tuy không sáng ánh và nhẹ như lư đồng nhưng phù hợp túi tiền gia chủ nhưng vẫn không kém phần trang nhã.

nghe-danh-bong-lu-dong-vao-mua-tet-10-1672905841.jpg
Đồ nghề không nhiều, nhưng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, cũng như sức khỏe

Thông thường, một bộ lư sẽ gồm một bát lư chính và hai cái chân đèn kèm theo, có nơi còn kèm theo một lư hương nhỏ phía trước để cắm nhang. Lư đồng có đến hàng trăm loại, nhưng những bộ lư khó đánh bóng nhất là những loại có hoạt tiết phức tạp như rồng phụng, chữ Hán… lư đánh dễ là lư tứ giác, lư hình tròn. Nếu không cẩn thận có thể làm hỏng các chi tiết nhỏ, khách hàng không hài lòng, dễ bị mất mối. Để đánh được một bộ lư đồng vừa đẹp vừa bóng phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Thời gian hoàn thành một bộ lư đồng từ một vài giờ, tới cả chục tiếng đồng hồ lao động cần mẫn.

Anh Truyền chia sẻ: “Để đánh bóng một bộ lư đồng như mới, nghe thì đơn giản nhưng cũng lắm công phu, nhất là gặp những bộ lư lớn, chạm trổ tinh xảo, gia chủ xem như bảo vật gia truyền nên phải thật cẩn thận khi đánh bóng, lơ mơ là bị bồi thường như chơi”. Công việc này khá mệt nhọc khi phải ngồi nhiều giờ liền. Bên cạnh đó người thợ còn phải đối mặt với độc hại từ bụi do cọ xát lư đồng và cả những chất hóa học mà dân trong nghề sử dụng như lơ đánh bóng, bột làm sáng. Nhưng vì mưu sinh và là nghề gia truyền nên thợ đành chấp nhận.

nghe-danh-bong-lu-dong-vao-mua-tet-12-1672905841.jpg
Khi đánh, người thợ phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô tơ để tránh làm lư đồng biến dạng

Anh Nguyễn Hoàng Tuân (ngụ Quảng Ngãi), làm nghề này đã 6 năm nay cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 12 âm lịch, tôi mang đồ nghề để hành nghề đánh bóng lưu động, làm cật lực đến 29 Tết trừ hết các khoản chi cũng kiếm được 4-5 triệu đồng về quê đón Tết”.

Anh Tuân cho biết thêm, dụng cụ hành nghề chủ yếu là mô tơ đánh bóng, vật liệu tẩy, làm sáng và phương tiện đi lại nên cũng không quá đắt tiền, chủ yếu là làm chất lượng, giá phải chăng và luôn giữ “mối” ở các gia đình mỗi năm đều đánh bóng lư đồng. Có khi lại được chủ gia tặng quà mang về quê vì hài lòng với chất lượng đánh bóng đẹp, sáng, cẩn thận”.

nghe-danh-bong-lu-dong-vao-mua-tet-20-1672905841.jpg
Dưới bàn tay điệu nghệ, thoăn thoắt của người thợ những mảnh đồng phủ màu cũ kỹ như khoác lên bộ áo mới đón chào mùa xuân

Sau khi khởi động mô-tơ, người thợ đưa vào cuộn vải đang quay tít một cục lơ màu xanh. Những đôi bàn tay cầm thật chặt những mảnh đồng, ấn thật mạnh vào cuộn vải đang quay để tạo nên sự cọ sát mạnh, giúp bề mặt lư đồng vàng óng ả. Khi đánh bóng xong, những mảnh đồng được chùi lại thật kỹ bằng một tấm vải khô. Sau đó, được phết lên một lớp hoá chất nhằm giữ cho màu sắc lư đồng luôn được sáng và vàng óng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ mài giũa, lau chùi cẩn thận bởi những chiếc quai phượng, mũ chụp hình rồng trên nắp lư đồng rất dễ gãy. Khi đánh, người thợ phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô tơ để tránh làm lư đồng biến dạng. Ở các khe, rãnh, hoa văn phải đánh thật cẩn thận để đảm bảo độ sáng đồng đều. Có như vậy mới “giữ chân” được khách hàng.

Lư đồng là biểu tượng cho sự linh thiêng trong văn hóa thờ cúng của người Việt. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân luôn có quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước tài lộc về với gia đình trong năm mới. Cùng với việc trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết thì tân trang lư đồng là việc làm không thể thiếu của các gia đình. Dưới bàn tay điệu nghệ, thoăn thoắt của người thợ những mảnh đồng phủ màu cũ kỹ như khoác lên bộ áo mới đón chào mùa xuân. Trong dịp Tết đến, Xuân về, việc làm mới những bộ lư đồng để bày trên bàn thờ chính là nhu cầu tâm linh thiết yếu của mỗi người dân Việt. Chính vì lẽ đó mà nghề đánh bóng lư đồng luôn đắt khách vào dịp tết.

Minh Ngọc