Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong cuộc sống

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - thành quả của cuộc Cách mạng này vào cuộc sống đang trở nên rất cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực và của mỗi quốc gia. Sự phát triển, xu hướng và tiềm năng, ứng dụng của AI trong cuộc sống… là những chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo khoa học quốc tế: “Ứng dụng AI trong cuộc sống” do Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Công giáo miền Tây (Pháp) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Sự phát triển của AI

Cụm từ AI ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX, khi nghiên cứu ban đầu về khoa học tính toán khám phá các phương pháp tự động hóa đơn giản. Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học máy tính bắt đầu học cách đào tạo máy tính để bắt chước một số hình thức lý luận của con người, cho phép máy tính và máy móc của chúng ta trở thành những người bạn đồng hành thông minh mà chúng ta biết và hiểu ngày nay.

Theo các chuyên gia, AI là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh. Các ứng dụng đặc biệt của AI bao gồm hệ thống chuyên gia, nhận dạng giọng nói và thị giác máy… Đây thành quả tất yếu của sự phát triển khoa học và công nghệ, là giải pháp giải quyết những bài toán khó của sự phát triển loài người trong tương lai. 

Ngày nay, việc tiếp tục nghiên cứu và cải tiến AI về các công nghệ nền tảng đã thể hiện rõ trong các kỹ năng tự động hóa và lý luận có thể được tích hợp trong điện thoại, máy tính và máy móc…

Trong khi các bộ phim khoa học viễn tưởng và tiểu thuyết Hollywood mô tả AI là những robot giống như con người chiếm lĩnh thế giới, thì sự phát triển hiện tại của công nghệ AI không đáng sợ hay hoàn toàn thông minh. Thay vào đó, AI đã phát triển để cung cấp nhiều lợi ích cụ thể trong mọi ngành, lĩnh vực…

AI và tiềm năng ứng dụng

Ứng dụng nổi bật của AI là cải thiện sức khỏe của con người và giảm chi phí: các bệnh viện đang áp dụng máy để chẩn đoán tốt hơn và nhanh hơn con người. Các ứng dụng AI khác bao gồm chatbot, chương trình máy tính được sử dụng trực tuyến để trả lời các câu hỏi và hỗ trợ khách hàng, giúp sắp xếp các cuộc hẹn theo dõi hoặc hỗ trợ bệnh nhân thông qua quy trình thanh toán và trợ lý sức khỏe ảo cung cấp phản hồi y tế cơ bản.

Trong kinh doanh, AI giúp tự động hóa các robot đang được áp dụng cho các công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Chatbots đã được kết hợp vào các trang web để cung cấp dịch vụ ngay lập tức cho khách hàng. Trong giáo dục, AI có thể tự động hóa việc chấm điểm, giúp các giáo viên có thêm thời gian đánh giá năng lực và quản lý sinh viên, thậm AI có thể thay thế một số giáo viên. Trong sản xuất, AI đã đi đầu trong việc kết hợp robot vào quy trình làm việc. Robot công nghiệp đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhằm giải phóng sức lao động của con người…

TS. Michael Omar - Trường Đại học FPT Greenweek (Vương quốc Anh) cho biết, toàn cầu hóa và ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến ở tất cả các nơi trên thế giới. Tại Việt Nam cũng như ở Vương quốc Anh, nền kinh tế đang chuyển biến theo xu hướng ngày càng phụ thuộc vào tri thức. Những cử nhân thông minh, trình độ cao và hơn hết được đào tạo chính quy là rất cần thiết để giải quyết những thách thức và đáp ứng các biến động của nền kinh tế trong tương lai. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thành tựu của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá để thành công. Sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng các thiết bị xách tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay cho doanh nghiệp những giao diện mới để kết nối với khách hàng qua trang web và các kênh mạng xã hội.

TS. Omar thông tin thêm, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) là một nhánh của khoa học máy tính tập trung vào việc kiến tạo, phân tích và diễn giải ngôn ngữ của con người để hoàn thành các nhiệm vụ như phân loại cảm xúc, dịch máy, nhận dạng ký tự viết tay, nhận dạng giọng nói… Chúng ta chứng kiến những bước đột phá đáng kể của NLP trong vài năm gần đây với các mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ nhất như GPT-3, có thể tạo ra các tác phẩm tiểu thuyết sáng tạo, phát triển mã máy tính và tóm tắt kho tài liệu nghiên cứu lớn. Tuy nhiên, tiềm năng đầy đủ của NLP vẫn đang được tiếp tục khám phá.

2-1684989798.jpg
GS. Laurent Peridy - Hiệu trưởng, diễn giả Trường Đại học Công giáo miền Tây (Pháp) chia sẻ về “Sự phát triển của AI: đột phá và tiếp nối”

Chia sẻ thêm về xu hướng phát triển của AI, GS. Laurent Peridy - Hiệu trưởng Trường Đại học Công giáo miền Tây cho rằng, thời gian gần đây, AI đã nhanh chóng hoàn thiện trong lĩnh vực hình ảnh và thị giác máy tính với sự ra đời của các kỹ thuật học sâu, học không giám sát và học tích cực… Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự đột phá trong các giải pháp thị giác máy tính dựa trên AI và tác động của điều này sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hình ảnh y khoa. Thị giác máy tính sẽ cho thấy thành công trong lĩnh vực lái xe tự hành, sản xuất thông minh, nhà thông minh và thành phố thông minh thông qua một ngành mới được gọi là thị giác máy tính vùng biên.

TS. Lý Hải Bằng - Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, trước bối cảnh phát triển, công nghệ AI đang cho phép một lớp hệ thống giao thông thông minh mới cho đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển. Các giải pháp này kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và các cơ sở hạ tầng khác để giúp giảm thiểu ùn tắc, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và làm cho giao thông vận tải hiệu quả hơn. Ví dụ AI có thể ứng dụng trong quản lý đội xe, quản lý giao thông thông minh, giao tiếp không dây, sạc xe điện, thu phí điện tử và một loạt các giải pháp di chuyển khác… 

1-1684989740.jpg
PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Vũ Ngọc Kiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho hay, để đón đầu xu hướng phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI trong khối ASEAN. Là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ chiến lược phát triển ngành và các ngành kinh tế. Cùng với hoạt động đào tạo, Nhà trường rất quan tâm đến hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, trong thời gian qua, Trường đã có nhiều hoạt động hợp tác với các trường đại học, viên nghiên cứu của Pháp trong việc đào tạo giảng viên, trao đổi sinh viên, các hoạt động nghiên cứu chung. Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự nghiệp “đi trước mở đường” của ngành và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

picture2-1684988566.png
Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm
4-1684989769.jpg
Đoàn đại biểu của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Việt Nam và Trường Đại học Công giáo miền Tây (Pháp) chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã mở ra diễn đàn giao lưu, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan tới AI để góp phần nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ này vào phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng một sự kiện hết sức có ý nghĩa để chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Hoàng Cường