Trà đạo và chuyện đạo ở đời

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và sự thay đổi của văn hóa, đến nay, trà đạo vẫn mang vẻ đẹp riêng, vừa phản ánh được lịch sử của cha ông, vừa cởi mở, giao thoa, phù hợp với đời sống hiện đại. Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng chia sẻ với PV. Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt về văn hóa trà đạo. 
nlntv-nghe-nhan-tra-hoang-anh-suong-1668398714.jpg
Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng (Ảnh do nhân vật cung cấp)

PV Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt có cuộc trao đổi với Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng về trà đạo.

PV: Nói đến việc thưởng trà thì tôi nhớ đến câu thơ "Đán nhật thanh tâm trà ngũ trản". Tức là buổi sáng, chúng ta uống 5 chén trà thì sẽ cảm thấy thanh thản. Đó có phải là lý do Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng tâm huyết lưu truyền văn hóa trà đạo của dân tộc? 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Thiên nhiên ban tặng cho loài người rất nhiều thức uống, thế nhưng từ cổ chí kim duy nhất chỉ có trà được tôn vinh là "trà đạo". Những người yêu rượu không thể tôn vinh là "rượu đạo", bia là "bia đạo", chỉ có trà thôi. Nếu mọi người có cơ hội thưởng một bữa trà thì sẽ hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Tuân lại nói uống trà để rửa "bụi trần". 

Việc mình đưa chén trà của người Việt từ xưa vào đời sống thực tại để có thể hiểu nhau hơn, thiết lập tình thương nhiều hơn. Nước Việt mình có một nền trà đạo. Trà đạo ở đây mình hiểu đơn giản là việc uống trà để biết yêu thương, giúp bản thân có hạnh phúc an lạc và thấy cuộc sống có ý nghĩa, chứ không đơn giản chỉ là thức uống để giải khát.

PV: Nước ta có rất nhiều loại trà khác nhau. Nhưng dù là trà gì thì cách pha cũng rất cầu kỳ. Tôi thấy trên bàn của ông có rất là nhiều loại chén to, nhỏ và dụng cụ pha trà. Ông có thể giới thiệu một chút về những dụng cụ này? 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Chén to, gọi là chén tống để chúng ta chia trà ra các chén nhỏ (chén quân). Bên cạnh đó, chúng ta còn có thìa để xúc trà. Thìa này được làm bằng gỗ thơm hoặc bằng tre. Ngoài ra, còn có cái kẹp, que tăm bằng gỗ. Khi chúng ta thả những búp trà vào trong ấm thì các búp trà sẽ nở, một số lá, búp làm tắc vòi ấm thì cần dùng tăm gỗ để thông vòi ấm. Cổ nhân đúc kết 4 yếu tố hàng đầu trong nghệ thuật thưởng trà, đó là Nhất thủy - Nhị trà - Tam pha - Tứ ấm.

PV: Như nghệ nhân vừa nói, nước pha trà là quan trọng nhất. Vì sao vậy ạ? 

Nước pha trà là hàng đầu, bởi vì nếu như chúng ta pha với thứ "nước tồi" thì không bao giờ có được chén trà ngon. Cổ nhân lại đúc kết thêm câu "Sơn thủy thưởng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ". Sơn thủy thượng tức là nước đầu nguồn của ngọn suối chảy về. Lấy nước này pha trà là ngon nhất. Giang thủy chung là nước ở giữa dòng sông, mang đi pha trà là ngon thứ nhì. Tĩnh thủy hạ tức là nước giếng ở trên núi. Bên cạnh đó, người Việt cũng rất chuộng nước mưa. Các bậc vua chúa ngày xưa, đặc biệt là chúa Trịnh Sâm vào mỗi sáng sớm đều sai người hầu chèo thuyền ra Hồ Tây hứng những giọt sương đọng trên lá sen về pha trà.

Ngày xưa các cụ gọi nước mưa là "Thiên thủy",  tức là nước quý. Nhưng phải sau 2  hoặc 3 trận mùa thì nước mưa mới sạch, khi đó chúng ta mới hứng. Nhưng chưa dùng ngay mà phải để trong chum, trong vại khoảng vài tháng để cho âm - dương cân bằng thì nước pha trà mới ngon. Nhưng dù là nước gì thì cũng phải đun sôi, vì trong nhiệt độ đun sôi trà mới có thể chín. 

nlntv-1pha-tra-moi-tra-la-mot-nghe-thuat-1668398853.jpg
Pha trà, thưởng trà là một nghệ thuật (Ảnh do nhân vật cung cấp)

PV Nhiều người ví phong tục trà đạo cầu kỳ đến "chân tơ kẽ tóc", đặc biệt là cách pha trà. Cụ thể, khi pha trà cần chú ý đến điều gì, thưa ông? 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Để có một chén trà thơm ngon: Từ nhóm bếp đun nước, pha trà, rửa chén... đều phải cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo. Khi nước sôi, chúng ta đổ vào ấm pha trà và tưới xung quanh ấm, cẩn thận lắc đều cho nước nóng bên trong, làm nóng toàn bộ thành ấm, sau đó đổ nước tráng ấm ra ngoài. Sau đó dùng thìa gỗ, xúc trà vào ấm, vừa đủ pha một ấm trà. Nếu cho nhiều trà vào ấm, pha đặc quá thì hương sẽ bị nồng, nước chuyển sang màu đỏ, không còn màu xanh; còn nếu pha nhạt quá thì hương không đủ thơm, vị không đủ đượm. Đậy vung lại, tiếp tục dùng chỗ nước sôi còn lại, tưới xung quanh ấm trà làm nóng ấm đều từ trong ra bên ngoài, đồng thời làm ấm trà bóng lên. Động tác này các cụ thường gọi là “tắm cho ấm”. Nước này chảy xuống bát, giữ nhiệt độ trong ấm nóng lâu, trà sẽ ngát hương. Khoảng 3 phút sau thì trà trong ấm đã chín và có thể dùng trà. 

Mời trà cũng là nghi thức rất quan trọng trong nghi lễ dâng trà của người Việt. Khi mời trà, bao giờ người chủ trà cũng sẽ xòe bàn tay trái của mình và đặt chén trà lên chính giữa lòng bàn tay. Lúc này bàn tay của mình giống như là bông hoa sen 5 cánh và chén trà năm ngay chính giữa lòng bông hoa. Khi chúng ta dâng trà cho khách thì phải dùng cả 2 tay và với nở nụ cười tươi. Đương nhiên người khách cũng sẽ đón trà bằng 2 tay và đáp lại bằng nụ cười. Khi thưởng trà tư thế ngồi cũng rất quan trọng. Điều đầu tiên là chúng ta phải ngồi thẳng, tất cả những cơ bắp trên cơ thể thả lỏng ra. 

PV: Sự cầu kỳ, cẩn thận trong việc thưởng trà như là rèn cho chúng ta tính kiên trì và giúp cơ thể giải phóng năng lượng tiêu cực. Đó là lý do Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng luôn tràn đầy năng lượng và vui tươi? 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng trả lời: Tôi là một thiền sinh, tu tập thiền hàng ngày. Với tôi việc thưởng trà cũng là cách thiền. Khi thưởng trà, tôi ngắm nhìn chén trà và nhìn sâu vào trong lòng chén. Tôi cảm nhận được trong chén trà không chỉ có trà mà còn có cả nắng, cả mưa. Bởi vì nếu như không có nắng, có mưa thì chúng ta không có cây chè. Và nhìn trong đáy cùng của chén trà tôi còn thấy những giọt mồ hôi của người nông dân nữa, vì họ làm việc cực nhọc thì mới có chén trà ngon như vậy.

Khi đã có chén trà trong tày rồi chúng ta sẽ đưa lên ngửi và hít một hơi thật sâu, khi cảm nhận được hương thơm của chén trà rồi mới nhấp ngụm trà đầu tiên. Ngụm trà đầu tiên chúng ta sẽ ngậm trong miệng khoảng 3 giây, sau đó mím môi nuốt khẽ khàng ngụm trà này. Khi ngậm nước trà trong miệng như vậy sẽ cảm nhận được toàn vị, hương thơm xông lên não bộ. Còn than ôi! Nếu chúng ta uống “ực” 100% chén trà thì sẽ không cảm nhận được gì cả. Ngày xưa các cụ gọi đó là “ngưu ẩm”, tức trâu, bò à  mà uống như thế à? Cổ nhân có câu “Thập nhị lan can nhất trản trà”, nghĩa là đi hết 12 bậc cầu thang mới uống hết một chén trà. Như vậy, tất cả thao tác pha trà, thưởng trà đều rất chậm dãi. Bởi vì sự chậm dãi đấy mới mang lại cho chúng ta sự an lạc trong tâm hồn. 

PV: Không chỉ mang giá trị về tinh thần mà thưởng trà còn giúp nâng cao sức khỏe thể lực. Là người nhiều năm tâm huyết với trà đạo , nghệ nhân có thể phân tích rõ hơn về điều này. 

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Uống trà trong không gian tĩnh lặng là cách để chúng ta giảm stres. Nhưng điều quan trọng hơn, uống trà là cách để chúng ta tăng cường sức khỏe thể chất. Cách đây hàng ngàn năm, người Trung Hoa đã gọi trà là một linh dược. Sau này các nhà khoa học phát hiện 108 hoạt chất trong trà. Trong đó có nhóm vitamin rất quý: Vitamin A, Vitamin B, C. Đặc biệt là Vitamin P là một chất chống béo phì. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh, uống trà hàng ngày là cách để chống bệnh ung thư hiệu quả.

Cảm ơn nghệ nhân trà Hoàng Anh Sương!


 

Mạnh Sáu