Thực trạng nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp công nghệ cao và giải pháp

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều đổi mới về công nghệ, xu hướng tập trung cho sản xuất theo hướng hữu cơ và công nghệ cao nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực có chuyên môn cao ngày càng tăng. Tuy nhiên, số học sinh đăng ký học ngành này ngày càng thấp.

Sinh viên, học sinh đăng ký học ngành Nông nghiệp ngày càng giảm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội (ngày 11/7/2023), năm 2022, tỉ lệ số sinh viên đăng ký theo học các ngành Nông lâm ngư nghiệp chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học tại các cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm.

z4896710314356-a4fb526e3fa9958383c412487667ce64-1700446948.jpg
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT báo cáo tại hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Quảng Bình ngày 25/8/2023)

Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm thì nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản lại ngày càng tăng. Số liệu của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong giai đoạn 2018 - 2023 cho thấy, hàng năm các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200 - 3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 1.500 - 2.000 người, mới chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng. Từ đó, đã làm ảnh hưởng tới giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp.

Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã phải lao đao khi đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, quy trình cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng lại thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao nên không thể làm chủ khoa học công nghệ.

z4896710314359-02b90db4c0aead1ac52a81a510904f7d-1700446948.jpg
Mô hình trồng chuối xuất khẩu công nghệ cao của HTX Bắc Tây Nguyên Farm - Kon Tum

Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và DVTM Ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (Kon Tum) cho biết: “ Hợp tác xã chúng tôi chuyên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng các loại rau củ, trái cây để xuất khẩu, sản xuất vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, khi phát triển mở rộng vùng trồng thì phải có đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao, khi tuyển dụng chúng tôi đã liên hệ với một số trường như trường đại học, cao đẳng để tuyển nguồn lao động là sinh viên học chuyên ngành về nông nghiệp công nghệ cao, nhưng không tuyển ra người, do vậy chúng tôi lại phải đào tạo từ những người nông dân có kinh nghiệm, tay nghề để thực hiện việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Đặc biệt, theo Báo cáo Điều tra lao động và việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành Nông nghiệp thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động ngành Nông nghiệp hiện thiếu kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, thiếu tác phong công nghiệp.

Giải pháp khắc phục và thay đổi

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông lâm ngư nghiệp, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.

Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành Nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

z4896710322601-bc91baf66b0199d4620dc68c9d7d3d50-1700446948.jpg
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng NN&PTNT thăm các gian hàng xúc tiến thương mại của các Doanh nghiệp tại Đà Nẵng

Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 Nghiên cứu sinh; 2.500 học viên Cao học; 20.000 sinh viên Đại học; 8.000 sinh viên Cao đẳng, 20.000 học sinh Trung cấp và 40.000 học sinh Sơ cấp. Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trọng tâm là sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh NN&PTNT.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu thông qua hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật,… nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút lao động chất lượng cao vào Việt Nam; cần đẩy mạnh hợp tác từ các đơn vị chuyên môn về nhân lực như Viện, trường và các doanh nghiệp đầu ngành nhằm thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

z4896710322597-5459789c7687fd93392c9158ae1ed024-1700446948.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa các trường Đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp, Hợp tác xã do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Quảng Bình

Điều quan trọng nhất là phải thống kê, dự đoán nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết giữa Nhà trường & Doanh nghiệp để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.

Song song đó Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều sự kiện để thúc đẩy việc phối hợp đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các hội nghị trao đổi, thảo luận về nội dung thúc đẩy công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi tư duy, nhận thức từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, truyền thống sang phương thức sản xuất theo quy mô hợp tác liên kết để tập trung nguồn lực đất đai, phát triển các cây con chủ lực có lợi thế, năng suất và chất lượng để tạo ra giá trị gia tăng cao theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; cùng với đó tại các hội nghị thảo đã luận bàn bạc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ và phi nông nghiệp, đặc biệt là tại các hội nghị đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác phối hợp đào tạo và thực hành, thực tập và tuyển dụng đầu ra cho sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi nhằm khơi gợi tinh thần yêu nông nghiệp, thúc đẩy khuyến khích sinh viên ra trường khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp.

Vũ Hà