Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp - Bài 1: Xu thế tất yếu

Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số được đẩy mạnh, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
nlntv-hoc-nghe-040223-1675505319.jpg
Sinh viên học nghề tại trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Quán triệt, triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp vì vậy đang là vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước, từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm thực hiện. Phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua hai bài viết chủ đề: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Bài 1: Xu thế tất yếu

Trong hệ thống giáo dục quốc gia, giáo dục nghề nghiệp có vai trò đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với chuyển đổi số để phù hợp với thị trường lao động thời kỳ hội nhập và phát triển là rất cần thiết, nhằm cung cấp lực lượng lao động trực tiếp có chất lượng ngày càng cao.  

Nâng chất nguồn nhân lực

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước 10 năm tới và các năm tiếp theo: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đảng ta một lần nữa xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp là mở rộng quy mô để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động; trong đó có 30% có văn bằng, chứng chỉ vào năm 2025 đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo được xác định là một trong những giải pháp đột phá.

Liên quan đến sự cần thiết của thực hiện chuyển đổi số, coi đây là một trong những giải pháp đột phá nâng chất nguồn nhân lực, tại Hội nghị triển khai công tác lao động - thương binh và xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài rất quan tâm đến việc nguồn lao động có đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động, nhất là lực lượng lao động ở những ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cho kinh tế xanh, kinh tế số. Do đó, công tác đổi mới đào tạo gắn với chuyển đổi số, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp là yêu cầu tất yếu của thị trường lao động.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Hùng Dũng, Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành xu thế và chiến lược tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, xem chuyển đổi số là vấn đề then chốt và thực hiện với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai, áp dụng.

Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp sẽ mang lại những lợi ích nhất định so với giáo dục truyền thống như sinh viên có thể học bất cứ nơi nào. Toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục cũng được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Chuyển đổi số cùng với sự ra đời của hình thức học liệu điện tử (bao gồm sách điện tử, bài giảng điện tử, bộ câu hỏi ôn tập và bài kiểm tra đánh giá quá trình tự học của sinh viên…) do chính giảng viên xây dựng và được tích hợp trên môi trường công nghệ internet số hóa cao sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học. Chuyển đổi số còn là phương thức hữu hiệu để huy động nguồn lực trí tuệ của xã hội tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực.

Không ít thách thức

Chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu, giải pháp mang tính đột phá để nâng chất nguồn nhân lực trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc thúc đẩy chuyển đổi số đối với giáo dục nghề nghiệp cũng đang gặp nhiều thách thức.

Các chuyên gia đưa ra một số dự báo mang tính thách thức như ước tính rằng trong 15 năm tới, trên thế giới 14% lực lượng lao động có nguy cơ cao sẽ bị tự động hóa thay thế và 30% khác phải đối mặt với những thay đổi về kỹ năng được sử dụng trong cách đào tạo lực lượng lao động.

Theo Tiến sỹ Mai Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - chuyển giao khoa học công nghệ (Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam), Tiến sỹ Lê Thị Mai Hoa, Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), trong bối cảnh mới, thách thức đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp yêu cầu phải trang bị cho sinh viên các kỹ năng để có thể đối mặt với những mô hình việc làm thay đổi nhanh chóng.

Thực tế vẫn có một số cơ sở, chương trình đào tạo chưa phát triển, không giúp người học theo kịp với các đặc điểm, kỹ năng mà thị trường lao động cần. Một số khóa học thiết kế thiếu linh hoạt, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các khóa học tập chưa khuyến khích được người học tự học tập suốt đời. Nhận thức của một số người học tham gia các khóa học còn hạn chế không theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp hoặc nhu cầu trong tương lai.

Tiến sỹ Phạm Hùng Dũng, Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số bao gồm phần cứng như máy tính, mạng kết nối internet, các ứng dụng hỗ trợ dạy học, nguồn học liệu mở, hệ thống phần mềm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá.

Một số ít trường đã có kinh nghiệm triển khai về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến và đã xây dựng, phát triển được hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, cung cấp đầy đủ nội dung học tập, quản lý được việc học và có phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập một cách chính xác thông qua công nghệ thông tin. Một số trường bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến thông qua các ứng dụng như Zoom, Google Hangouts, Google Meet, Webex, Micorsoft Teams... Một số trường chưa triển khai, chưa sẵn sàng cho việc tổ chức đào tạo trực tuyến đối với sinh viên, mới chỉ dùng lại ở việc cung cấp tài liệu sinh viên tự học.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận giảng viên chưa thích nghi kịp với công nghệ mới, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Chưa kể một bộ phận người học đã quen với phương thức đào tạo truyền thống, “ngại” thay đổi theo phương thức đào tạo mới. Một số sinh viên vốn xuất thân từ nông thôn hoặc miền núi, vùng sâu, vùng xa không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt sẽ có những thiệt thòi nhất định.

Bài cuối: Song hành nhiều giải pháp