Một tuần qua, kể từ khi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, về tăng lương tối thiểu vùng được Chính phủ ban hành, nhiều doanh nghiệp đã lập phương án để điều chỉnh lương từ 1/7 cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, người lao động nhận định, Nghị định 38 là chính sách nhân văn, kịp thời để hỗ trợ người lao động sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội đánh giá, Nghị định 38 cũng thể hiện rõ tinh thần đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, người lao động để hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Vị chuyên gia về lao động, việc làm, tiền lương khái quát: "Việc Chính phủ ban hành Nghị định 38 để quy định điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, bắt đầu từ 1/7, kéo dài trong 18 tháng (sớm hơn 6 tháng so với thông lệ mỗi lần điều chỉnh lương - PV), là chủ trương đúng, kịp thời trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động.
"Sau 2 năm đại dịch Covid-19, chúng ta chưa điều chỉnh tiền lương cho người lao động do quá nhiều khó khăn phải giải quyết, thị trường lao động bị đứt gãy, không ít lao động gặp khó khăn, không có thu nhập… Nhà nước đã phải dùng đến gói hỗ trợ an sinh xã hội để đảm bảo đời sống cho người dân, trong đó có người lao động làm công ăn lương. Do đó, việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia, điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% là chủ trương nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động và doanh nghiệp. Đây là chính sách chưa có tiền lệ bởi thông lệ, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải thực hiện vào ngày 1/1 hàng năm", ông Lợi nhận định.
Ông Lợi nhấn mạnh, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ 1/7, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Việc tiếp theo, hai bên sẽ phải thỏa thuận việc điều chỉnh lương ở mức tương đối. Để người lao động được tăng thêm 6% tiền lương, tương đương mức điều chỉnh lương tối thiểu thì phần tăng lên phải trên cơ sở lương thực tế người lao động đang được hưởng hoặc đang được chủ sử dụng lao động thỏa thuận trả cho người lao động, không được thấp hơn mức hiện hành. Nếu bằng hoặc thấp hơn tiền lương người lao động hiện hưởng thì không còn ý nghĩa của điều chỉnh lương tối thiểu.
Về một số ý kiến liên quan đến nguyên tắc tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu không thể hiện tại Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu lần này, ông Lợi xác nhận, nội dung này đã được quy định trong pháp luật.
"Các khoản phụ cấp tiền lương mà chủ sử dụng và người lao động thỏa thuận ký kết trong hợp đồng lao động và những khoản bổ sung khác, theo đó, đương nhiên phải được làm căn cứ để tăng thêm 6% mức tiền lương tối thiểu vùng" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội phân tích thêm: "Việc quy định lao động có tay nghề phải được trả mức tiền lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu đảm bảo giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đây cũng là sự khích lệ để người lao động tiếp tục tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề gắn bó với doanh nghiệp, hăng say lao động sản xuất; thúc đẩy tăng năng suất lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế. Việc này cũng khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, đó là quan hệ lao động ổn định, hài hòa".
Ông Lợi nêu vấn đề, một số doanh nghiệp, người lao động suy đoán Nghị định 38 bỏ quy định cộng thêm ít nhất 7% với người lao động qua đào tạo là không đúng với tinh thần của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, chưa thấy hết ý nghĩa của quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định.
Cụ thể, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38 thể hiện, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và các quy chế, quy định của NSDLĐ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ, TƯLĐTT hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo ông Lợi, khoản 3, Điều 5 thể hiện như vậy có nghĩa, những khoản đã được thỏa thuận, đang được áp dụng thì đương nhiên tiếp tục được thực hiện.
"Thông qua diễn biến của việc điều chỉnh lương tối thiểu, tôi thấy ngay trong chiều 17/6, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cùng ra công văn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Nghị định 38 để tháo bỏ những khúc mắc với dư luận, người lao động là rất kịp thời và thể hiện trách nhiệm của các cơ quan để thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, cũng là để các bên nhận thức đúng vấn đề là việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng nhằm hỗ trợ cho người lao động, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất", ông Lợi nhấn mạnh.
Chiều 17/6, để giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp và người lao động về việc Nghị định 38 không thể hiện quy định cộng thêm 7% lương với người lao động đã qua đào tạo như các nghị định trước đây về việc điều chỉnh lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn.
Công văn nêu rõ, các chế độ về tiền lương của người lao động luôn được đảm bảo, chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu tiếp tục được thực hiện.
Để triển khai thực hiện Nghị định đúng quy định, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các LĐLĐ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại địa phương và các ban, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị định số 38 đúng quy định.