Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, toàn ngành cần tới 5.322 giáo viên tiếng Anh và 3.648 giáo viên Tin học lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, như vậy mới đủ mỗi trường có tối thiểu 1 giáo viên cho mỗi môn.
Như vậy, sẽ cần 8.970 giáo viên tiếng Anh và Tin học mới tạm đủ để triển khai bắt buộc hai môn học này ở cấp tiểu học (100% học sinh được học). Tuy nhiên, do chưa tuyển được giáo viên, nhiều địa phương đang phải gồng lên áp dụng các giải pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu.
Luân chuyển và kiêm nhiệm nhiều môn
Tỉnh Thanh Hóa còn thiếu hơn 100 giáo viên tiếng Anh và hơn 400 giáo viên Tin học tiểu học để có thể đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cấp tiểu học. Để đáp ứng nhu cầu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3 cho năm học tới, đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, ngành đang điều động, thuyên chuyển giáo viên dạy liên trường, liên cấp sau khi đã bồi dưỡng, tập huấn để phù hợp với đối tượng học sinh của cấp tiểu học.
Tương tự, tỉnh Kon Tum cũng xây dựng phương án bố trí giáo viên linh hoạt dựa trên việc rà soát nhu cầu ở từng địa bàn cụ thể vào đầu năm học mới. Theo đó, giáo viên tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong biên chế được ưu tiên xếp dạy lớp 3. Họ được bố trí dạy liên trường trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Kon Tum cũng điều chuyển giáo viên THCS ở nơi đang dư thừa xuống dạy tiểu học.
Trong khi đó, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu đều đang tính toán dạy trực tuyến cho học sinh theo cụm trường, có thể tổ chức trong phạm vi cấp huyện, thị. Học sinh các trường trong một huyện, thị được học trực tuyến với giáo viên thuộc biên chế huyện đó, nhưng cũng có thể mở rộng để giáo viên vùng thuận lợi dạy trực tuyến cho học sinh vùng còn thiếu giáo viên trong nội tỉnh, thậm chí có thể huy động sự hỗ trợ nguồn nhân lực ở các tỉnh thành khác.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng cho hay, giải pháp trước mắt là đào tạo tại chỗ số lượng giáo viên hiện có để phục vụ lâu dài. Những giáo viên dôi dư có trình độ trung cấp Tin học được định hướng đi bồi dưỡng để dạy môn này ở bậc tiểu học.
Các trường xoay đủ kiểu
Về phía các trường, ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết: "Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Thứ nhất, về cơ sở vật chất chưa có phòng âm nhạc, yêu cầu đầu tư khá lớn, nhu cầu của học sinh chưa biết sử dụng nhạc cụ gì, khó khăn thứ hai là đội ngũ giáo viên, nhà trường chưa có giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc".
Bà Đào Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu, tỉnh Bắc Kạn cũng nêu: "Để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày theo quy định, hiện nay trường chúng tôi đang thiếu đến 4 đến 5 giáo viên. Do đó, nhà trường phải xử lý bằng cách là giảm số buổi học".
Để có đủ giáo viên dạy theo chương trình mới ngay trong năm học này, giải pháp được nhiều trường, địa phương lựa chọn là thuê giáo viên dạy hợp đồng.
Bà Nguyễn Thúy Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Hòa (Hà Nội) cho rằng, nếu không ký hợp đồng thì nhà trường sẽ không đủ giáo viên để dạy. Ví dụ với môn Tin học, khối 3 có 1 tiết, khối 4, khối 5 quy định là mỗi một lớp dạy 2 tiết/tuần. Nếu giáo viên không có hợp đồng thì nhà trường chỉ sắp xếp được mỗi lớp dạy 1 tiết, không đúng quy định của Bộ GD&ĐT; nhưng khi có hợp đồng thì đủ theo quy định là mỗi lớp học 2 tiết Tin học/tuần.
Một phương án cũng được nhiều địa phương thực hiện trong khi chờ bổ sung biên chế giáo viên, đó là bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy liên trường, dạy nhiều điểm trường.
Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh của lớp 3, Phòng tham mưu cho UBND huyện phân công giáo viên tiếng Anh cấp THCS trên cùng địa bàn xã kiêm nhiệm dạy môn tiếng Anh lớp 3 của trường tiểu học trong xã ấy.
Cùng với đó, Phòng GD&ĐT cũng tham mưu cho UBND huyện biệt phái giáo viên ở những đơn vị đang có 2 giáo viên đến những đơn vị mà chưa có giáo viên để đảm bảo đủ người dạy tiếng Anh lớp 3.