Hà Nội: Thiếu hơn 10.000 giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023

Hà Nội hiện thiếu 10.265 giáo viên, trong đó giáo viên tiểu học thiếu 3.436 người, THCS 3.135 và THPT 1.311. UBND thành phố xin bổ sung 2.361

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong năm học trước, Bộ có nhiều nỗ lực, tham mưu để khắc phục tình trạng này nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi.

Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên là việc tuyển dụng không sát nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.

Theo số liệu được nêu trong tờ trình của UBND thành phố Hà Nội lên Hội đồng nhân dân thành phố. Theo đó, năm học 2021- 2022, tổng giáo viên còn thiếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT là 7.134. Đến năm học 2022 - 2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số giáo viên còn thiếu so với định mức là 3.131 người.

nlntv-cva-1662623544.jpg
Các con chào mừng năm học mới 

Như vậy, hiện toàn thành phố thiếu 10.265 giáo viên biên chế, trong đó số giáo viên tiểu học thiếu 3.436 người, THCS 3.135 và THPT 1.311 người.

Riêng UBND thành phố xin bổ sung 2.361 biên chế gồm: giáo viên tiểu học 600 người, THCS 1.309 và THPT 452 người.

UBND thành phố sẽ phân bổ 2.361 biên chế trên cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự nhóm ưu tiên sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt.

Cách phân bổ được đề xuất theo ba nhóm:

Nhóm 1, các trường hoặc khu vực có số học sinh tăng mạnh, thiếu nhiều giáo viên được ưu tiên, gồm các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh.

Nhóm 2, khu vực có số học sinh tăng vừa và thiếu ít giáo viên hơn nhóm 1, gồm quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa; huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất.

Nhóm 3 (những quận, huyện còn lại) tạm thời chưa được giao bổ sung biên chế, do học sinh tương đối ổn định, biên chế giáo viên không biến động lớn.

Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải sử dụng số biên chế được giao bổ sung một cách hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo có số dư biên chế viên chức để thực hiện mục tiêu tinh giảm 10% biên chế trong giai đoạn 2022 - 2026 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ngoài việc thiếu giáo viên, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Cụ thể sĩ số học sinh tiểu học/lớp ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp, nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.

Cụ thể là tại Quận Tây Hồ: Trong năm học 2022 - 2023, để giảm quy mô số lớp/trường, giảm sĩ số học sinh trong 1 lớp, Trường Tiểu học Chu Văn An được UBND quận Tây Hồ tổ chức thành hai trường: Trường Tiểu học Chu Văn An và Trường Tiểu học Chu Văn An A. 

PV Tạp chí NLNTV đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An A về tình trạng thiếu giáo viên.

Bà Huệ cho biết năm học này, trường có tất cả 950 học sinh với 33 giáo viên giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện tại trường rất thiếu giáo viên và đây cũng là tình trạng chung hiện nay của các trường.

Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ học sinh đông nhất cả nước. Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê, năm học 2022 - 2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Để chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội xây dựng thêm 51 phòng học mới, kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Huyền Anh