Thi trắc nghiệm là xu hướng phù hợp với thời đại công nghệ số

Đinh Thảo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến đóng góp dư luận. Đây là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên dành cho khóa học sinh học trọn vẹn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT.

Cần ngân hàng đề thi hoàn toàn mới

Theo dự thảo, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp 6 môn, trong đó 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử và cùng với 2 môn học tự chọn trong số 4 môn học đã chọn học là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Như vậy, so với phương án thi tốt nghiệp hiện hành có sự khác biệt.

Đó là phương án dự kiến thi 6 môn của 6 môn học và không có bài thi của các môn thi tích hợp. Trong khi phương án hiện hành thi 7 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc và 1 bài thi tích hợp, bao gồm 4 môn học được chọn từ nhóm môn học khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc khoa học xã hội (KHXH).

tvhn-1679994994.jpg
Thí sinh và người nhà dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023

Việc đưa Lịch sử làm môn thi bắt buộc sẽ tạo những lợi thế nhất định cho học sinh dự thi đại học khối A1 và D1. Mặt khác, số tiết học môn Lịch sử cũng khác nhau giữa nhóm thí sinh chọn và không chọn trong tổ hợp các môn lựa chọn. Do đó, cần 2 đề thi cho hai nhóm học sinh này mới bảo đảm sự công bằng trong đánh giá kết quả thi tốt nghiệp.

Thời gian qua, học sinh không mặn mà học môn Lịch sử. Trong khi đó Lịch sử Việt Nam phải được hòa quyện vào giá trị sống của thế hệ trẻ để các em có cuộc sống tinh thần dạt dào, thấm đậm tâm hồn Việt. Tôi nghĩ không thể điều chỉnh tình yêu học môn Lịch sử cho học sinh chỉ bằng quy định môn học bắt buộc hay môn thi bắt buộc, mà phải bằng sự thay đổi mang tính đột phá về nội dung và phương pháp dạy và học môn Lịch sử.

Về việc tổ chức thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi, hiện nay, học sinh chỉ phải lựa chọn 1 trong 2 bài thi tích hợp trong các môn thuộc KHTN hoặc KHXH. Nhưng với phương án dự kiến, học sinh phải lựa chọn 2 thi trong 7 môn đã học. Đây là khó khăn không nhỏ cho việc sắp xếp 2 môn tự chọn và cách tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh. Lần đầu tiên có phương án tổ chức thi tốt nghiệp cho nhiều môn thi mới như: Lịch sử, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Nhìn chung các môn học này chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm tổ chức học và tổ chức thi nên ngân hàng câu hỏi và đề thi cho các môn học này sẽ còn hạn chế. Ngoài ra, chúng ta phải chuẩn bị gần 20 bộ đề thi khác nhau, trong khi thời gian chỉ còn 2 năm học. Đây là khối lượng công việc rất lớn.

Theo tôi, phương án khả thi có thể là thi 4 bài thi, trong đó có 3 bài của 3 môn thi bắt buộc và 1 bài thi tích hợp của các môn trong nhóm môn KHTN hoặc KHXH. Tất nhiên, các môn học tích hợp của hai nhóm môn này sẽ được quy định lại.

Đánh giá đầu ra năng lực của học sinh

Thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm là xu hướng phù hợp với thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, hiện tại rất khó triển khai có hiệu quả do số lượng thí sinh quá đông và tổ chức thi đồng thời và trên một phạm vi rộng nhiều địa phương. Chúng ta cần có đề án thi tốt nghiệp THPT mang tính đột phá, trong đó có thí sinh làm bài trên máy tính thay cho làm bài viết trên giấy.

Nhìn chung, Bộ GD&ĐT đã tích cực cải tiến các phương án thi tốt nghiệp ít nhất 3 lần trong 10 năm qua, đều có xu hướng tích cực và tốt dần lên. Nhưng về lâu dài khi mà nước ta đang thực hiện chuyển đổi mục tiêu giáo dục thì phương án tổ chức thi tốt nghiệp cần thay đổi tận gốc rễ, bản chất để phù hợp với đánh giá năng lực người học và hòa đồng vào thông lệ của nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Để tránh gây áp lực cho thí sinh, tốt nhất là điều chỉnh nội dung trong bài thi tốt nghiệp THPT để đạt được hai mục tiêu: Công nhận học sinh tốt nghiệp cấp THPT và làm căn cứ chính cho hầu hết các trường tin tưởng, yên tâm để xét tuyển vào đại học. Một số trường đại học có tính đặc thù sẽ tổ chức thi bổ sung riêng. Nội dung bài thi là đánh giá năng lực học sinh. Bài thi mang tính tích hợp liên môn mà không độc lập như truyền thống.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT giao về các địa phương. Điều này không vi phạm Luật Giáo dục. Kỳ thi tuyển sinh vào đại học có cấu trúc đề thi đánh giá năng lực và được dùng chung cho tất cả các trường đại học. Cách làm này không mới, nhiều nước có nền giáo dục hiện đại họ vẫn đang thực hiện. Ngoài ra, thi tuyển sinh nhiều lần trong năm mà không dồn ép vào cùng thời điểm như hiện nay.