Gần 15.000 học sinh dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp

Đinh Thảo
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 ở Hà Nội đã diễn ra tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 19-3.

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

So với mọi năm, ngày hội tại Hà Nội năm nay được đánh giá có quy mô lớn nhất, đa dạng nhất và có nhiều hoạt động và thông tin hấp dẫn, thiết thực. Khoảng 250 gian tư vấn của hơn 100 trường đại học, cao đẳng, các đơn vị giáo dục đã tham gia sự kiện, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm ngành nghề dành cho học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

ts2-1679287609.jpg
PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp

Bên cạnh những gian tư vấn riêng, chuyên sâu của từng đơn vị, Ban tổ chức cũng có phiên tư vấn chung với sự tham gia của 13 chuyên gia tư vấn, trong đó có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cùng lãnh đạo nhiều trường đại học lớn ở phía Bắc. Ban tư vấn ngày hội đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các bạn học sinh và các bậc phụ huynh về kỳ thi tốt nghiệp THPT, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Kết thúc phiên tư vấn chung, học sinh và phụ huynh được tư vấn 1-1 với 13 thành viên ban tư vấn.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội dành một hội trường để tư vấn cho thí sinh muốn dự tuyển vào trường. Tại đây, học sinh đã nhận được sự tư vấn chuyên sâu về kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sắp tới. Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có một khu tư vấn riêng để tư vấn về kỳ thi đánh giá năng lực.

ts1-1679287609.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh chi tiết tại các khu vực tư vấn riêng
tv3-1679287609.jpg
Ngày hội không chỉ thu hút sự tham gia của các thí sinh mà cả các phụ huynh cũng đi nghe tư vấn
ts5-1679287609.jpg
Nhiều trường mang tới ngày hội các mô hình giúp học sinh dễ hình dung ra công việc sẽ làm trong tương lai

Để học sinh có những trải nghiệm thực tiễn về nghề, năm nay nhiều trường mang đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp những mô hình để học sinh trực tiếp quan sát, tìm hiểu và trải nghiệm. Thượng tá Lê Sinh Hồi, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Trường Đại học Phòng cháy- chữa cháy cho biết trường mang tới một xe chữa cháy mini, xe máy chữa cháy và một số dụng cụ chuyên dụng để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Học sinh sẽ được thử làm một người lính cứu hỏa tại chỗ với sự hướng dẫn của sinh viên trong trường. Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng lại có những mô hình miêu tả sinh động công việc, sản phẩm các em sẽ làm sau khi ra trường… Ngoài ra, nhiều trường còn mang đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp những tiết mục ca nhạc, trò chơi sôi động.

Em Phan Thành Vinh, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp những học sinh đang băn khoăn chọn nghề. “Em đã nắm được những hướng dẫn tuyển sinh năm nay nhưng vẫn muốn đến trực tiếp để lắng nghe tư vấn và kiểm nghiệm xem những lựa chọn của mình đã chính xác hay chưa”, Vinh nói.

tv4-1679287609.jpg
Nhiều hoạt động bên lề ngày hội thu hút thí sinh

Chia sẻ với các thí sinh về điểm mới của kỳ thi năm nay, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT cập nhật sẵn). Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ. Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (cao nhất là nguyện vọng 1). Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất.