Thế giới đương đầu với những tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine

Giá dầu tăng, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, nhiều nước chịu thiệt hại. Đó là những tác động nhìn thấy rõ từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước bị ảnh hưởng đã có những biện pháp khắc phục ban đầu, có tính chất tạm thời.

Theo dịch vụ toàn cầu theo dõi các lệnh trừng phạt kinh tế, đã có hơn 5.500 lệnh trừng phạt các loại được áp đặt lên nước Nga, trong đó có gần 3.000 lệnh trừng phạt mới kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nước Nga đang chịu ảnh hưởng lớn, song phương Tây cũng bị thiệt hại đáng kể do chính các lệnh trừng phạt đó, nhất là trong lĩnh vực năng lượng khi giá khí đốt tăng đột biến, gấp nhiều lần trước trừng phạt.

2022-03-11t194417z-211573683-rc2i0t9tcrs9-rtrmadp-3-brazil-fuel-petrobras-investors-1647134308.png
Giá dầu tăng tại Brazil (Ảnh: Reuters)

Giá dầu thế giới tăng, nhiều nước trên thế giới, không riêng gì phương Tây bị tác động. Người dân Newzealand ngày 11/3 cũng đã phải đổ xô đến các trạm xăng, để mua tích trữ, trước đợt tăng giá vào cuối tuần. Tại quốc gia này, giá xăng đã tăng 11,8% lên khoảng 2 USD/lít; giá dầu Diesel tăng mạnh hơn khoảng 23,1% chỉ trong một tháng. Bộ trưởng Tài chính New Zealand cảnh báo, đây chưa phải là đợt tăng giá xăng dầu cuồi cùng.

Cũng từ ngày 11/3, giá xăng bán lẻ tại Brazil tăng lên 0,77 USD/lít, tăng 18,8% so với trước đó. Trong khi đó, giá dầu diesel sẽ tăng mạnh hơn, lên 0,9 USD/lít, tương ứng với mức tăng 24,9%.

Ứng phó với tình trạng giá dầu tăng cao, tại Hà Lan, chính phủ nước này đã phải ban hành gói hỗ trợ trị giá 2,8 tỷ euro, nhằm ứng phó với giá nhiên liệu tăng và lạm phát tăng.

Bộ trưởng Việc làm và các Vấn đề Xã hội Hà Lan cho biết, trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp sẽ tăng từ 200 euro lên 800 euro. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng đối với năng lượng cũng được giảm từ 21% xuống còn 9%, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu cũng giảm 21%.

Trong khi đó, một số nước như: Thái Lan, Pakistan và Indonesia phải giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kìm giữ giá bán lẻ xăng dầu nội địa hoặc trợ giá nhiên liệu cho một số nhóm ngành đặc thù như vận tải, đánh bắt hải sản… Tuy nhiên, các nước này đều nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tạm thời do việc giảm thuế và trợ giá gia tăng áp lực mạnh lên cán cân ngân sách, giá dầu thô càng tăng cao thì nguy cơ thâm hụt ngân sách càng lớn.

Giá dầu tăng, vận tải hàng không chịu thêm lệnh cấm bay, khiến giá cả hàng hóa leo thang. Ngành du lịch cũng bị tác động khi đóng cửa biên giới. Giá lương thực châu Âu tăng cao do không thể nhập từ Ukraine, Nga. Ngành nông nghiệp chịu tác động mạnh vì thiếu phân bón từ Nga, ngành xây dựng chịu tác động từ giá thép tăng cao. Mọi thứ đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể chưa tính đến tác động của lạm phát.

Theo giới chuyên gia kinh tế, một giải pháp hiệu quả trước tình hình hiện này là khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cần gấp rút tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này khó có thể diễn ra nhanh chóng do cần sự đồng thuận của nhiều nước thành viên cũng như phụ thuộc vào năng lực khai thác của từng quốc gia. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cảnh báo, thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.

“Hiện tại, trên thế giới không có công suất nào có thể thay thế được 7 triệu thùng dầu xuất khẩu, giả sử rằng chúng ta sẽ mất đi một khối lượng của khu vực đó. Thế giới chỉ đơn giản là không có năng lực. Vì vậy, không phải là vấn đề thị phần bây giờ mà là làm thế nào để chúng ta giảm thiểu? Làm thế nào để chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này?”, Mohammad Barkindo nói.

Như vậy, để giải quyết được vấn đề hiện nay về lâu dài, có lẽ thế giới cần nhanh chóng giải quyết tình hình Ukraine trong hòa bình để mọi thứ có thể trở lại bình thường./.