Thay đổi thói quen để tham gia giao thông xanh, sạch, an toàn

Phương tiện cơ giới cá nhân hiện vẫn được sử dụng phổ biến ở nước ta, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường. Việc thay đổi thói quen, ưu tiên sử dụng giao thông công cộng và các phương tiện ít phát thải giúp xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tham gia giao thông xanh-sạch-an toàn xuất phát từ thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ. Khi lái xe thì luôn tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, tuân thủ quy định về tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường bộ, đặc biệt là các vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, tốc độ, phần đường, làn đường cũng như không tuân thủ quy định về nhường đường cho người đi bộ, xe thô sơ...

a4-1684634800.jpg
Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đi tàu điện, hưởng ứng giao thông xanh, sạch, an toàn. Ảnh: BẢO LINH

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, Việt Nam có nguy cơ TNGT cao khi gần 90% nhu cầu đi lại của người dân được đáp ứng bằng xe máy. Vì vậy, Việt Nam rất đồng thuận với chủ đề chung của Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu do Liên hợp quốc phát động trong tháng 5-2023 là đổi mới tư duy về giao thông, tham gia giao thông xanh, sạch, an toàn. Trong đó quan tâm đến những người yếu thế hơn như người đi xe đạp, đi bộ, giúp họ hạn chế nguy cơ gặp phải TNGT. Ngành giao thông vận tải cũng cần chỉnh trang hạ tầng, đặc biệt ưu tiên hạ tầng cho phương tiện công cộng, người đi xe đạp, đi bộ.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra để cải thiện môi trường giao thông là các cấp, các ngành cần tăng cường rà soát, chỉnh trang điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống dải phân cách, làn đường, báo hiệu dành cho xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ. Đồng thời sắp xếp lại vỉa hè, lề đường ưu tiên cho người đi bộ; bố trí trạm dừng đón-trả khách, tăng tần suất, nâng cao chất lượng cho xe buýt, xe khách; tăng cường kết nối các loại hình vận tải công cộng; có khu vực trông giữ xe cá nhân, điểm đón khách cho xe taxi, xe máy chở khách gần nhà ga, trạm dừng xe buýt...

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, một số lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích hơn nữa, trong đó có thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em và dây an toàn, giới hạn tốc độ thấp hơn ở khu vực xung quanh các trường học. Bên cạnh đó là quy định đội mũ bảo hiểm và tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, đặc biệt cho trẻ em; thực thi các chính sách cấm uống rượu, bia khi lái xe và tiếp tục đầu tư nâng cao mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ. Hiện nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đang phát động chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe về làm chủ tốc độ phương tiện khi tham gia giao thông, cảnh báo về nguy cơ gặp phải va chạm cũng như hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ tốc độ, từ đó bảo đảm tốt hơn ATGT.