Tháng chạp với người Việt Nam ta còn gọi là tháng tết, một cái tháng thật bận bịu và đầy nỗi lo đối với những bà mẹ, những nàng dâu trong việc nội trợ gia đình. Bởi khi nói đến tháng chạp người ta thường nghĩ ngay đến cái Tết Nguyên đán mà việc đầu tiên đó là cái nồi bánh chưng và mâm cỗ tất niên để cúng gia tiên.
Người Hà Nội xưa còn tự gói và luộc bánh chưng thì việc để có được một nồi bánh chưng tươm tất đó là yến gạo nếp ngon, rồi thì đỗ xanh và để dành tem phiếu để mua được vài cân thịt lợn mà gói bánh.
Chưa hết, người ta còn phải dậy sớm để xếp hàng mua vài bó lá dong, rồi thì củi khô và một thứ không thể thiếu được đó là một hai bao trấu như thế nó vừa đỡ tốn củi mà bánh chưng lại chín dền hơn, bởi cái anh trấu khi luộc bánh chưng nó cứ âm ỉ và giữ nhiệt được rất lâu.
Khoảng cuối tháng chạp, nhằm vào ngày 23, người ta bỗng thấy từ sáng sớm tinh mơ còn chưa rõ mặt người đã có những bà gánh hai cái thúng đi khắp các ngõ ngách phố phường ở Hà Nội đặc biệt là phố Hàng Mã miệng rao :” ai cá đây...”, thì cũng là lúc người ta nghĩ ngay đến cái ngày “ông công, ông táo” về chầu trời.
Tháng chạp, cái tháng áp Tết âm lịch, đường phố lúc nào cũng đông, chợ búa sầm uất và tấp nập với các loại nông sản, hoa quả. Đâu đó người ta thấy thấp thoáng những chậu quất và cành đào nụ hoa đỏ thắm.
Nếu ở cái thời bao cấp thì ở những cửa hàng thực phẩm hay lương thực luôn chật cứng người xếp hàng để mua nào là thịt, cá, rồi dầu củi, khổ nhất là gạo. Và một cái điển hình nữa là chuyện xếp hàng ở cửa hàng bách hoá để mua những túi hàng Tết.
Bây giờ cuộc sống ngày càng khấm khá hơn nên những cảnh đó đã không còn nữa.
Tháng chạp với người Việt Nam gọi là tháng Tết mà Tết đến là phải có cỗ, bởi thế nên nhà nào cũng phải có đôi gà, một con dành cho mâm cỗ tất niên và một con để cúng vào sáng mùng một đầu năm. Đấy là chưa kể đến nhà nào tươm còn có một con gà trống hoa để cúng giao thừa nữa...
Tháng chạp còn là tháng của chợ hoa Hàng Lược, cái tháng để những người có cái thú chơi đào chơi quất được dịp trổ tài và thưởng ngoạn. Ở những gia đình người Hà Nội cổ người ta còn có cái thú chơi hoa Thủy tiên nữa, họ cắt tỉa ngâm hãm làm sao mà đúng đến khi giao thừa những cánh hoa Thủy tiên bung nở, thật là tài tình và nghệ thuật.
Tháng chạp, cái tháng cuối năm âm lịch của người Việt Nam thật là bận rộn, bởi thế khi đi trên phố những ngày này người ta thường nói với nhau cái câu :”ngửi thấy mùi Tết...”.
Tháng chạp, đó là một tháng áp Tết của người Việt Nam, với không khí vui vẻ nhộn nhịp của mọi người đón Xuân chào năm mới, với bao nhiêu hy vọng và mong muốn để có một năm hạnh phúc, may mắn và nhiều niềm vui...