Tháng 4 về nơi nguồn cội thành lập Hội Nhà báo Việt Nam – Mạch nguồn lịch sử

Huyền Văn
Tháng 4 hàng năm, những người làm báo trên toàn quốc lại phấn khởi, tự hào đón mừng sự kiện lịch sử quan trọng của nghề báo - Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, giờ đây bên nương chè xanh tươi mát nơi núi rừng An toàn khu xưa chính là nguồn cội cho niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, có dịp về với xóm Roòng Khoa (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) – cội nguồn của Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt không khỏi bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào. Bên những nếp nhà sàn giản dị, quá khứ nhiều gian khổ nhưng hào hùng của những người làm báo Việt Nam như được tái hiện.

nlntv-pv-1682208214.jpg
Phóng viên Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt đã có dịp về mảnh đất ATK hào hùng và lịch sử của Hội nhà báo Việt Nam. Tấm bia khắc dòng chữ: "Tại đây, ngày 21/4/1950 diễn ra Đại hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam)"

Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa. Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam đã được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh.

nlntv-mohinh-1682208280.jpg
Mô hình nhà sàn thu nhỏ, nơi diễn ra đại hội lần thứ I của Hội nhà báo Việt Nam.

Đại hội đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Sau này, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu thành lập, mục tiêu hoạt động của Hội đã được khẳng định rõ: “Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình”.

Kể từ đó đến nay, đã 73 năm đã trôi qua, xác định rõ về vai trò và trách nhiệm lớn lao, Hội Nhà báo nói chung và mỗi cá nhân người làm báo nói riêng đã luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mình. Từ việc chỉ có 300 hội viên khi mới thành lập, hiện tại Hội Nhà báo Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với trên 21.201 hội viên, nhà báo hoạt động tại hơn 288 cơ quan, báo chí khắp cả nước. Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng được củng cố, lớn mạnh, tập hợp những người làm báo trên khắp mọi miền đất nước.

Hội cũng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Từ đó đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội luôn theo sát mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, góp phần quan trọng trong việc đưa báo chí trở thành lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày càng khẳng định được vai trò của Tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp, gắn kết và giữ vững được niềm tin của các hội viên bằng sự quyết liệt, kịp thời và hiệu quả trong công tác điều hành.

Riêng đối với mỗi cán bộ, nhà báo, phóng viên của Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt, chúng tôi luôn thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Đó cũng chính là trách nhiệm và tâm huyết đối với mọi lĩnh vực của đời sống đất nước và báo chí hôm nay, góp phần nâng cao uy tín, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của Hội Nhà báo Việt Nam.

nlntv-kyvay-1682208478.jpg
Những tài liệu, hiện vật này giúp những thế hệ người làm báo hôm nay thêm hiểu hơn về điều kiện sống và làm việc của những thế hệ đi trước, để suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp, vẻ vang.
nlntv-hoinhabao-1682208486.jpg
 
Đức Long – Bùi Cường