Thái Nguyên, được nhắc đến là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố và tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong những năm gần đây, Thái Nguyên đang có những bước phát triển vững chắc, từng bước trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong quý II, với chỉ số tăng trưởng cao hơn nhiều so với quý I. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 6,03% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 5,1% của 6 tháng đầu năm 2023). Thu ngân sách nhà nước đạt trên 9.220 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh/thành phố đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; tạo việc làm tăng thêm cho gần 25.000 người. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Thực tế cho thấy, thị trường lao động phát triển năng động, việc làm cơ bản ổn định… là yếu tố quan trọng cho sự phát triển KT-XH Thái Nguyên như hiện nay. Sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương tỉnh Thái Nguyên đã kiến tạo “thế chân kiềng” liên kết phát triển vững chắc trong cung ứng, phát triển thị trường lao động. Các sự kiện ngày hội việc làm, kết nối thị trường lao động… được tổ chức thường xuyên khắp các huyện lỵ trong tỉnh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động và sử dụng lao động.
Mới đây, ngày 23/11, trên địa bàn TP.Phổ Yên đã diễn ra sự kiện “Ngày hội việc làm, kết nối khởi nghiệp” thu hút sự tham gia của 1.200 học sinh, người lao động và 24 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn. Ngày hội được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo, tư vấn, hướng nghiệp cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách đến học sinh, người lao động. Trên cơ sở đó, giúp các em học sinh định hướng chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân; tạo điều kiện gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn.
Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh, người lao động đã được các chuyên gia tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm tự nguyện và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng cung cấp thông tin thị trường lao động ở trong và ngoài tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động, chương trình đi học tập và làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng, kết nối việc làm…
Tại huyện Đại Từ, xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngày 28/11, huyện Đại Từ đã tổ chức Ngày hội việc làm, kết nối cung cầu lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp năm 2024. Ngày hội được kết nối trực tuyến với 6 điểm cầu tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Trường THPT Đội Cấn (Đại Từ), thu hút 26 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh; các cơ sở đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh, với khoảng 5.000 vị trí tuyển dụng thuộc các lĩnh vực khoáng sản, may mặc, lắp ráp điện tử, du học, xuất khẩu lao động…
Theo UBND huyện Đại Từ, ngày hội là một sự kiện thường xuyên, liên tục, được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện, với quy mô lớn và đa dạng, thu hút được nhiều đối tác tin cậy tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng trên địa bàn huyện. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm của người lao động trên địa bàn cũng như địa phương lân cận…
Hay như tại Đồng Hỷ, ngày 1/12, UBND huyện Đồng Hỷ đã tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn khởi nghiệp năm 2024 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (xã Quang Sơn), thu hút sự tham gia của trên 20 doanh nghiệp, đơn vị trường học, cơ sở đào tạo nghề, tuyển dụng lao động ở trong nước và nước ngoài… với sự góp mặt của gần 1000 người. Tại ngày hội, các em học sinh và người lao động đã được đã được trải nghiệm và tham gia hoạt động tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin tuyển sinh...
Theo UBND huyện Đồng Hỷ, trong những năm qua, công tác lao động - việc làm đã luôn được địa phương chú trọng triển khai. Nhờ sự nỗ lực và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành và địa phương, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Các chính sách về lao động, việc làm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân…
Có thể thấy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã năng động, linh hoạt tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng. Đồng thời, không ngừng nâng cao công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, người lao động; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người dân lựa chọn nghề phù hợp với khả năng lao động… Chính điều này đã góp phần động lực to lớn, thúc đẩy kinh tế Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, an sinh xã hội ngày thêm củng cố vững chắc.
UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025, Thái Nguyên sẽ tập trung vào việc tăng cường kết nối thị trường lao động; phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm giúp người lao động có cơ hội học nghề và tìm việc làm phù hợp. Đồng thời, các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch lưu động sẽ tiếp tục được tổ chức để tăng cơ hội việc làm cho người dân; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách và dự án tạo việc làm cho người lao động, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động và phát triển mạnh các hoạt động tư vấn, kết nối việc làm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp giảm nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo sự công khai, minh bạch trong các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài…