1. Thưởng Tết do doanh nghiệp chi trả
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thưởng như sau:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Theo đó, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng cho người lao động đều không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động.
Dựa trên kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động mà doanh nghiệp sẽ chủ động xem xét thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít cho người lao động.
Ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp được phép thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho bằng vé tàu xe để về quê; các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng, xe máy,…
2. Lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp
Mặc dù không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng “lương tháng 13” hiện đang được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Số tiền này thường được trả cho người lao động vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp chỉ bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 nếu trước đó có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Hiện nay, lương tháng 13 thường được được xác định theo hai cách:
- Theo mức bình quân tiền lương trong năm.
- Theo mức lương tháng 12 của người lao động.
Tùy doanh nghiệp và thỏa thuận giữa các bên mà lương tháng 13 được chi trả sẽ áp dụng một trong hai cách tính trên.
3. Tiền thăm hỏi 300.000 đồng từ quỹ tài chính công đoàn
Ngoài các khoản tiền người lao động được nhận dịp Tết đã đề cập ở trên, sắp tới, 08 triệu người lao động trên cả nước còn có cơ hội được nhận tiền chăm lo, thăm hỏi từ phía công đoàn với mức 300.000 đồng/người. Nội dung này được nêu rõ tại Kế hoạch 146/KH-TLĐ như sau:
- Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức: 300.000 đ/người.
Tổng số nguồn kinh phí dự kiến: 8.000.000 (người) x 300.000đ/người = 2.400.000.000.000 đ (Hai nghìn bốn trăm tỷ đồng).
Theo đó, có 02 nhóm đối tượng được hưởng tiền thăm hỏi gồm:
- Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn.
- Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Danh sách những người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được chốt đến hết ngày 31/12/2021. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương trao đến tay người lao động.
4. Phần quà, tiền hỗ trợ khác từ phía công đoàn
Ngoài khoản hỗ trợ 300.000 đồng/người, Kế hoạch 146/KH-TLĐ cũng liệt kê một số hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, động viên đoàn viên và người lao động dịp Tết Nhâm Dần 2022 như:
- Thăm, tặng quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đang điều trị Covid-19,...
- Tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa người lao động về quê đón Tết, trở lại làm việc,…
Công đoàn cơ sở sẽ chủ động cân đối nguồn thu, chi trong năm và sử dụng tối đa nguồn quỹ tích lũy để đảm bảo chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cấp trên cũng sử dụng một phần tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ công đoàn cấp dưới.
Căn cứ trên nguồn quỹ tài chính công đoàn mà các chính sách hỗ trợ, động viên, thăm hỏi người lao động của từng địa phương sẽ là khác nhau.
Ví dụ như Công đoàn Hà Nội dự kiến trao 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” năm 2022; 10.000 suất quà (giá trị 01 triệu đồng/suất) cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 50% kinh phí thuê xe đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết,…
Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng phấn đấu tặng 35.000 vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên và người lao động, sớm tổ chức chương trình “Chuyến tàu mùa xuân” lần 2 hỗ trợ 100% vé tàu đưa gia đình đoàn viên tiêu biểu có nhu cầu về quê đón Tết,…