Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Huyền Văn
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Chỉ thị chỉ rõ: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI, công tác đưa người lao động (NLĐ) và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, phần việc này còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần khắc phục...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, NLĐ và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Xác định công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ; đồng thời là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước.

nlntv-xkld-1671839218.jpg
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải gắn với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quan hệ đối ngoại. Nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho NLĐ; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn.

2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động. Cơ chế, chính sách, điều kiện tuyển chọn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước.

3. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, bảo đảm việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nâng cao chất lượng công tác dự báo trung và dài hạn về thị trường lao động ở nước ngoài. Chủ động đàm phán, trao đổi thông tin với các nước về nhu cầu, quyền và nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam, bảo đảm có việc làm ổn định, tiền lương thỏa đáng và an toàn.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ngoài nước; quản lý chặt chẽ đảng viên là NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong giám sát thực hiện công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật.