Việt Nam đang có khoảng 127 triệu thuê bao di động. Trong đó, 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, Vinaphone chiếm 96% thị phần thuê bao. Hiện tại, tính cả 3 nhà mạng này còn khoảng 3,8 triệu thuê bao có thông tin sai lệch. Trong đó, Mobifone là 1,4 triệu thuê bao, Viettel là 1,3 triệu thuê bao, Vinaphone là 1,1 triệu thuê bao.
Từ tháng 3/2022, Bộ TT&TT đã thực hiện kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý thuê bao viễn thông, xử lý các sim có thông tin không đúng quy định và sim bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy vẫn còn sai phạm trong việc quản lý thuê bao di động của doanh nghiệp. Còn tình trạng mua bán sim đăng ký sẵn thông tin thuê bao, sim đầy đủ thông tin thuê bao của một số cá nhân đã đăng ký nhưng khi chuyển quyền sử dụng cho cá nhân khác lại không thực hiện cập nhật theo quy định. Đây là kẽ hở cho các tổ chức tội phạm tận dụng mạo danh cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tán phát thông tin độc hại.
Theo phản ánh của nhiều thuê bao, mấy ngày gần đây họ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ với nội dung: Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong hai giờ tiếp theo. Bấm phím 9 để biết thêm chi tiết. Một số khách hàng phản ánh họ thậm chí bị đối tượng mạo danh là Cục Viễn thông, để yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao và yêu cầu cung cấp họ tên và số chứng minh nhân dân…
Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải chuẩn hóa thông tin với hạn chót là ngày 31/3, ông Vũ Ngọc Sơn, Chuyên gia bảo mật đã đưa ra cảnh báo kịp thời về nguy cơ lừa đảo “khóa thuê bao” trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Khoảng nửa cuối năm 2022 đã chứng kiến sự bùng phát của các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức "khoá thuê bao" và yêu cầu nâng cấp, qua đó lừa chiếm đoạt SIM, rồi chiếm tiếp tài khoản ngân hàng của người dùng. Rất nhiều người đã bị mắc bẫy và mất số tiền lớn.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp chuẩn hóa để bảo đảm thông tin người dùng hợp lệ. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký thuê bao, các nhà mạng mới chỉ dựa trên giấy tờ của các cá nhân, doanh nghiệp, chưa có một kênh thông tin chuẩn để thực hiện đối soát.
Cho nên, nhà mạng nếu được nên cung cấp một kênh thông tin chính thức, cho phép người dùng tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn thông tin đăng ký chưa. Bằng cách này, người dùng có thể tự chủ động kiểm tra số điện thoại của mình và có hành động cập nhật thông tin nếu cần, tránh bị động, dễ mắc bẫy những đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, việc nhà mạng sẽ gửi tin nhắn từ brandname (tin nhắn thương hiệu là dịch vụ hỗ trợ các nhà cung cấp sử dụng kênh thông tin di động để quảng bá nhãn hàng, sản phẩm, dịch vụ hoặc chăm sóc khách hàng-PV), để hướng dẫn các thuê bao có thông tin chưa chuẩn cũng có thể bị lợi dụng. Chúng ta đã chứng kiến hình thức gửi tin nhắn brandname giả mạo đã rất phổ biến thời gian qua. Nguy cơ này hoàn toàn có thể tái xuất trở lại. Vì vậy, kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname của nhà mạng thì người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, cần xác minh lại qua kênh thứ 2 như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc cẩn thận hơn thì đến điểm giao dịch để xác minh lại.
Ngày 17/3, Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc triển khai các biện pháp truyền thông (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua nhắn tin tuyên truyền tới tất cả các thuê bao đang hoạt động và các hình thức phù hợp khác), thông báo các số điện thoại (cùng với tên định danh - nếu có), chính thức của các doanh nghiệp được sử dụng cho mục đích chăm sóc khách hàng, nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, tiếp nhận nhận phản hồi.
Cục Viễn thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải tổng hợp các thông tin (bao gồm hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện) về các kênh chính thức thông báo, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ viễn thông di động chuẩn hóa thông tin thuê bao, chủ động trao đổi, cung cấp tới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở... Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp triển khai các nội dung nêu trên, gửi báo cáo kết quả về Cục trong ngày 18/3/2023.
Bộ TT&TT đang xem xét đến hình thức xử lý quyết liệt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 6 tháng, nếu phát hiện các doanh nghiệp viễn thông mắc sai phạm quy định về quản lý thuê bao di động. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa ra phương án xử lý mạnh tay với nhà mạng.