Tam Kỳ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng 3 di tích lịch sử cấp tỉnh

Sáng ngày 4/1/2023, UBND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng 3 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm Đình làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh), di tích mộ Thị lang Doãn Văn Xuân (phường An Phú), mộ Thủ tài Hầu Lê Văn Thủ (phường Trường Xuân).
1-quang-canh-le-cong-bo-va-don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-lich-su-cap-tinh-1704360390.jpg
Quang cảnh Lễ công bố và Đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho biết, việc công nhận di tích lịch sử và khôi phục lại di tích, không chỉ thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các thế hệ đi trước, mà còn là “địa chỉ đỏ” có giá trị lịch sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, các cấp các ngành của thành phố và các địa phương đã tập trung sưu tầm, tổ chức hội thảo khoa học, đồng thời được sự giúp đỡ của Sở VHTTDL, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các tộc họ, các nhà nghiên cứu nên hồ sơ đề nghị công nhận các di tích được thực hiện kịp thời và khoa học, ngày 24/11/2023 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2540/QĐ-UBND công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với mộ Thị Lang Doãn Văn Xuân (phường An Phú), mộ Thủ tài Hầu Lê Văn Thủ (phường Trường Xuân), đình làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh). Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Kỳ.

2-ong-nguyen-hong-lai-pho-chu-tich-ubnd-tp-tam-ky-phat-bieu-le-cong-bo-1704360389.jpg
Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ phát biểu Lễ công bố

Cùng với 3 di tích được công nhận lần này, tổng số di tích được công nhận trên địa bàn TP. Tam Kỳ là 26 di tích, trong đó có 2 di tích Quốc gia là Địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng) và Văn thánh - Khổng Miếu (Tân Thạnh).

3-trao-bang-xep-hang-di-tich-lich-su-cap-tinh-cho-cac-don-vi-dia-phuong-1704360386.jpg
Trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho các đơn vị, địa phương

Đối với di tích Đình làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh), để ghi nhớ công đức của những người khai hoang lập làng, vào khoảng năm 1832 - 1835, nhân dân trong làng đã xây dựng một ngôi đình ngay trung tâm của làng. Đình làng Đoan Trai trước đây được tọa lạc trên một gò đất cao ráo, nằm ở chính giữa làng, quay mặt về hướng Đông; phía sau đình là Gò Trâm; phía bên trái là Gò Am, Gò Ngọ và Gò Mả phía trước; phía phải là khu dân cư. Thuở ban đầu đình làng Đoan Trai có kiến trúc rất quy củ, với cổng ngõ, tường rào bao quanh; có miếu thờ Thành Hoàng làng; có nhà trù; khu sân rộng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng; có hàng trâm cổ thụ ở hai bên. Đình Đoan Trai được xây dựng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai canh, khai cư, quy dân, lập làng, và cũng là nơi để duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư làng Đoan Trai. Công trình văn hóa tâm linh này đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, cổ vũ nhân dân khối phố Đoan Trai và phường Tân Thạnh nói riêng, thành phố Tam Kỳ nói chung phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

4-cac-dai-bieu-chup-anh-luu-niem-tai-dinh-lang-doan-trai-phuong-tan-thanh-tp-tam-ky-1704360385.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đình làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ)

Đối với di tích mộ Thủ tài Hầu Lê Văn Thủ (phường Trường Xuân), quê làng Trường Xuân, tổng Chiên Đàn trung, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam, là hậu duệ đời thứ 10 của Bình Chiêm Triệu Quốc công Lê Tấn Trung; là thân phụ của danh tướng Lê Văn Long. Vợ ông là bà Trịnh Thị Hoa Dung, con gái của chúa Trịnh Doanh. Năm 1742, ông được vua Cảnh Hưng sắc tặng “Liệt tướng, chỉ huy sứ, Thủ khoa” chức vụ vệ uý. Ông mất năm 1827. Hiện nay phần mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ nằm trong Khu lăng mộ 2 vị tiền hiền Lê Tấn Trung, Lê Văn Long. Tại Khu lăng mộ thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, các hội thi tìm hiểu lịch sử địa phương cho đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi, các trường học trên địa bàn tổ chức nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương.

5-le-tuong-niem-tai-phan-mo-thu-tai-hau-le-van-thu-khoi-pho-xuan-tay-phuong-truong-xuan-tp-tam-ky-tinh-quang-nam-1704360385.jpg
Lễ tưởng niệm tại phần mộ Thủ tài hầu Lê Văn Thủ (Xuân Tây, phường Trường Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)

Về di tích mộ Thị Lang Doãn Văn Xuân, sau khi đỗ Cử nhân, ông Doãn Văn Xuân được bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ (năm 1820); sau làm giáo đạo chuyên việc dạy học cho các hoàng tử con vua Minh Mạng. Ở cương vị giúp các hoàng tử đọc sách kiêm việc giúp đỡ cho các hoàng tử trong việc ứng xử (mà sử ghi là “Hộ vệ”), ông được sử nhà Nguyễn ghi là người “có học hạnh thuần cẩn” và được xem là người Quảng Nam đầu tiên giữ cương vị này. Một thời gian sau, Doãn Văn Xuân được bổ Hàn lâm viện Tu soạn, sung chức Thị độc, rồi Lang trung bộ Lễ. Năm 1831, ông được đổi ra Bắc giữ chức Tham hiệp tỉnh Cao Bằng, rồi Lạng Sơn; sau thăng Án sát sứ (Án sát sứ là chức quan đứng đầu Ty án sát tại các tỉnh, phụ trách việc hình án, giám sát; có hàm Chánh tứ phẩm) các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Yên,… Sau khi qua đời, thi hài cụ Doãn Văn Xuân được an táng tại ấp Phú Phong, xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ; khoảng những năm 1940, được di dời về rừng Lăng - Quảng Phú, hiện ở tại Khối phố Phú Sơn, phường An Phú.

6-mo-thi-lang-bo-le-cu-nhan-doan-van-xuan-phuong-an-phu-tp-tam-ky-tinh-quang-nam-1704360385.jpg
Mộ Thị lang Bộ Lễ - Cử nhân Doãn Văn Xuân (phường An Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích mộ Thị Lang Doãn Văn Xuân, mộ Thủ tài Hầu Lê Văn Thủ và đình làng Đoan Trai. Thành phố Tam Kỳ sẽ chú trọng quản lý, bảo tồn, tôn tạo, tập trung nguồn lực để phát huy giá trị di tích. Đồng thời, địa phương tiếp tục quảng bá di tích trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện số hóa các di tích đã được công nhận, khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tam Kỳ.

Gia Phúc - Quang Khải