Đặt Chip TLD xác định “tuổi đời” các kiến trúc cổ tại Khu di tích Khảo cổ Cát Tiên

Các nhà nghiên cứu liên ngành vừa tiến hành đặt các mẫu Chip TLD (loại thiết bị dùng để giám sát, ghi nhận bức xạ bằng phương pháp nhiệt phát quang) tại Khu Di tích Khảo cổ Cát Tiên thuộc xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), để phân tích và xác định “tuổi đời” niên đại các kiến trúc cổ.

Nhiều ngày qua, nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản & ứng dụng Đại học Duy Tân; Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt; Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành đặt các mẫu CHIP TLD tại Khu Di tích Khảo cổ Cát Tiên.

1011-1696992988.mp4

Theo tiến sĩ Lưu Anh Tuyên - Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, cho biết các mẫu Chip TLD được nhóm nghiên cứu đưa vào đặt tại Khu Di tích Khảo cổ Cát Tiên khá hiện đại. Mỗi chip tổng có 10 chip nhỏ, được nhóm nghiên cứu nhập khẩu từ Đức. Đây là hướng tiếp cận và nghiên cứu mới do nhóm nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam với độ chính xác khá cao. (Ảnh: minh hoạ)

img-1295-1696991428.JPG
Nhóm nghiên cứu liên ngành tiến hành khảo xác vị trí đặt Chip TLD

“Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là có thể tiếp cận niên đại của kiến trúc thông qua việc thu thập trực tiếp các mẫu gạch cổ. Đồng thời Chip TLD có thể phân biệt tốt các lớp kiến trúc chồng, chập lên nhau trong cùng một quần thể kiến trúc chung, do các triều đại phá hủy và xây dựng nối tiếp trên nền móng cũ hoặc phát triển thêm từ kiến trúc chưa hoàn chỉnh…” – tiến sĩ Lưu Anh Tuyên, chia sẻ.

img-1247-1696991428.JPG
Gò đồi A3 Khu Di tích Khảo cổ Cát Tiên (Lâm Đồng), nơi nhóm nghiêm cứu đặt Chip TLD xác định niên đại các kiến trúc cổ.

Được biết, nghiên cứu liên ngành đến Khu di tích Khảo cổ Cát Tiên tiến hành thu hồi các mẫu Chip TLD (loại thiết bị dùng để giám sát, ghi nhận bức xạ bằng phương pháp nhiệt phát quang) đã được đặt ở một số vị trí tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên tháng 10/2022; đồng thời, tiến hành đặt thêm 15 mẫu mới để phân tích và xác định niên đại các kiến trúc cổ tại đây và quần thể kiến trúc mới phát hiện tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng).

img-1303-1696991428.JPG
Mẫu Chip TLD nhóm nghiên cứu liên ngành đã đặt vào tháng 10/2022.

Cũng theo tiến sĩ Lưu Anh Tuyên, nhóm trưởng nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, phân tích thêm phương pháp này là có thể tiếp cận trực tiếp niên đại của kiến trúc thông qua việc thu thập trực tiếp các mẫu gạch cổ, tại chính vị trí lấy mẫu ở hiện trường để xác định liều bức xạ hàng năm (từ 1 - 2 năm) và liều tích lũy hàng ngàn năm do bị chôn vùi. Tiếp theo đó, các mẫu gạch cổ được nhóm nghiên cứu xử lý và chế tạo thành các chip với mật độ, kích thước tương tự như các chip chuẩn quốc tế để tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên thiết bị đọc liều nhiệt phát quang và các phổ kế hạt nhân (phổ kế gamma phông thấp và huỳnh quang tia X). Trong khoảng thời gian đó, các mô hình về tương tác bức xạ mô phỏng chính xác các vị trí lấy mẫu hiện trường sẽ được chạy trên máy tính để cung cấp các thông số hiệu chuẩn và kiểm chứng các kết quả thực nghiệm.

img-1274-1696991428.JPG
1 trong 15 mẫu Chip TLD mới được nhóm nghiên cứu liên nghành đặt khảo sát năm 2023.

Chính sự kết hợp và cải tiến mới này đã giúp phương pháp có khả năng xác định niên đại các kiến trúc một cách trực tiếp với độ tin cậy cao thay vì phải phụ thuộc vào một phương pháp gián tiếp truyền thống mà giới khảo cổ trong nước và quốc tế phải thực hiện là phương pháp Carbon phóng xạ - Carbon-14 (xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, định tuổi bằng đồng vị carbon hay định tuổi bằng carbon-14...).

img-1277-1696991428.JPG
Nhóm nghiên cứu liên ngành đo kích thước, cẩn thận đặt mẫu Chip TLD để năm 2024 lấy mẫu nghiên cứu niên đại các kiến trúc cổ nơi đây.

Nhằm tăng độ tin cậy, tiến sĩ Lưu Anh Tuyên, khẳng định: “Các kết quả nghiên cứu của nhóm đã được tiến hành đồng thời, độc lập và so sánh với các kết quả của các nhà khoa học Nhật Bản, từ đó cho thấy tính phù hợp và độ chính xác cao. Trong thời gian tới, đây sẽ là một hướng nghiên cứu rất mới ở Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam cải tiến, phát triển và làm chủ. Những nghiên cứu như vậy rất quan trọng về ý nghĩa lịch sử, văn hóa cũng như cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà các thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng và gìn giữ…”.

Bảo Anh