Sinh viên y khoa nỗ lực 'giữ lửa' trạm y tế lưu động

Từ ngày 12/1, hơn 1.600 sinh viên trường y bắt đầu công tác thực tập cộng đồng, hỗ trợ 143 trạm y tế lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Việc đưa sinh viên trường y đến thực tập tại các trạm y tế lưu động là hoạt động phù hợp với tình hình thực tại khi lực lượng quân y rút quân, đồng thời cũng mang đến nhiều cơ hội, kinh nghiệm cho các bạn. 

mot-tram-y-te-luu-dong-tai-tp-ho-chi-minh-1643101740.jpg
Một trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh

Thêm nhân lực, thêm vững tâm

Là sinh viên đang thực tập tại Trạm y tế phường 7 (Quận 8), Nguyễn Tấn An, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, trong những năm qua, em đã tích lũy được những kiến thức quý báu về lý thuyết cũng như chuyên môn từ các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, việc được thực tập tại các tuyến y tế cơ sở - tuyến y tế, việc tiếp xúc với người dân, chúng em sẽ được thực tế hơn với người bệnh, với quy trình chăm sóc sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này. 

Tại trạm y tế, nhiệm vụ của Tấn An là xác định, lập danh sách F0 cách ly tại nhà trên địa bàn; tham gia cùng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hoặc Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời, cập nhập thông tin các ca F0 trên phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19" kể từ khi tiếp nhận thông tin F0 và chuyển thông tin F0 cho các cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà trong vòng 4-6 giờ…

Là sinh viên năm thứ 6 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lê Minh Khoa, sinh viên chuyên ngành y đa khoa chọn đăng ký thực tập tại trạm y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Chia sẻ về lý do chọn nơi xa nhà hơn 15 cây số để thực tập, Minh Khoa cho biết, vì tình hình dịch tại địa bàn huyện Hóc Môn phức tạp, nhân viên y tế ít, em mong muốn góp sức hỗ trợ người dân nơi đây. Dù việc thực tập tại trạm này các thiết bị, máy móc không được đủ đầy như bệnh viện, nhưng với Minh Khoa đây là một trải nghiệm thú vị, một cách học tập mới mẻ. Tại trạm y tế, chúng em sẽ được tiếp cận người bệnh ngay từ ban đầu nhằm nắm rõ hơn tình trạng bệnh nhân, học cách xử trí ngay tại hiện trường, giúp ích rất nhiều cho chuyên ngành.

"Có những ngày phải túc trực 24/24h tại trạm lưu động, vừa làm việc vừa học online nhưng em vẫn thấy vui khi hỗ trợ được người bệnh, nhất là khi tuyến y tế cơ sở rất cần những nhân lực tiếp sức như hiện nay", Minh Khoa vui vẻ nói. 

Cùng khoá với Minh Khoa, bạn Lê Nguyễn Kim Ngân đăng ký thực tập tại trạm y tế lưu động Phường 11 (quận Bình Thạnh). Hiện, công việc chính của Ngân là hỗ trợ công tác tiêm vaccine mũi 3 cho người dân. Cuối mỗi ngày, Kim Ngân cùng các y, bác sỹ đến thăm khám, phát thuốc cho bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà. Kim Ngân cho biết, tại thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, em cũng từng đăng ký hỗ trợ tại các trạm y tế nên hầu như các công việc đều đã quen thuộc. 

"Nếu thực tập ở bệnh viện, em sẽ có cơ hội được quan sát nhiều, được học nhiều hơn. Còn khi làm việc tại trạm y tế thì em có cơ hội tiếp xúc nhiều công việc khác nhau, tăng kỹ năng "thực chiến". Trong tình hình hiện tại, khi lực lượng y tế đang thiếu hụt, mình cần phải thích nghi và đồng lòng vì cộng đồng", Kim Ngân nói.

Theo bác sỹ Đinh Nho Tài, Trưởng Trạm y tế Phường 11 (quận Bình Thạnh), người tiếp nhận hai sinh viên trường y đến thực tập, trong đó bạn Lê Nguyễn Kim Ngân cho biết, dù thực tập trong thời gian ngắn nhưng tinh thần làm việc của các bạn luôn tích cực. Trong quá trình thực tập, các bạn sẽ được tham gia các hoạt động trong chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tham gia lấy mẫu, tư vấn qua điện thoại. Bên cạnh đó, trung tâm y tế quận đã ký hợp đồng và sẽ có một khoản chi hỗ trợ tiền phụ cấp cho các bạn. Bác sỹ Đinh Nho Tài nhận định, khi số nhân viên y tế tuyến cơ sở đang thiếu hụt, lượng sinh viên thực tập sẽ hỗ trợ tối đa cho hoạt động của trạm được tiến hành đầy đủ, từ chăm sóc sức khỏe thường niên đến công tác tiêm chủng.

Tăng kỹ năng "thực chiến"

Do nhân lực ít và địa bàn trước đó có tình hình dịch phức tạp, trạm y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, tiếp nhận 6 sinh viên y khoa đến thực tập. Bác sỹ Phạm Văn Nghĩa, Trưởng trạm y tế này cho biết, các bạn sinh viên sẽ xuống trực tiếp trạm y tế lưu động, cùng với tổ chăm sóc F0 tại nhà quản lý F0 trong toàn bộ khu vực xã. Dù là sinh viên nhưng việc tiếp thu, vận hành hoạt động của các bạn rất tốt.

Về những khó khăn trong công tác hướng dẫn, theo bác sỹ Phạm Văn Nghĩa, đây vốn dĩ là một chương trình thực tập chứ không hoàn toàn là hỗ trợ chính quy, nên đôi khi các bạn có lịch học, lịch thi cũng phải gián đoạn thời gian ở trạm. "Chủ trương của trạm hiện nay chú trọng chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách toàn diện. Từ khi có các bạn sinh viên tới thực tập mà người dân cũng được tiếp cận, chăm sóc y tế chu toàn hơn", bác sỹ Phạm Văn Nghĩa nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mô hình thực tập cộng đồng kết hợp hỗ trợ công tác tại các trạm y tế lưu động là cơ hội để sinh viên y tăng cường khả năng "thực chiến". 

Đồng thời, đây là tiền đề để sinh viên tham gia chương trình thực hành 18 tháng sau tốt nghiệp của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh theo "Đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở" từ đó tạo điều kiện cho các sinh viên có thêm kiến thức vững vàng từ cơ sở đến bệnh viện.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, trong năm 2021, nhà trường đã tổ chức thi, xét và công nhận tốt nghiệp cho 1.143 sinh viên với tỷ lệ tốt nghiệp chung đạt 87,99%. Nhà trường cũng đã huy động những tân bác sỹ, tân cử nhân y khoa tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

"Họ sẽ là những hạt giống tiên phong để ươm mầm phát triển mạng lưới y tế cơ sở - một mạng lưới y tế gần dân, dễ tiếp cận, giải quyết phần lớn vấn đề sức khỏe của người dân, giảm thiểu sự quá tải của các tuyến trên", Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.

Tuy nhiên, một thực tế khó khăn cho thấy, theo Luật Khám chữa bệnh, hiện bác sỹ mới ra trường phải có thời gian thực hành tại cơ sở có giường bệnh để có thể xác nhận cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Khi các em về các đơn vị này sẽ có khoảng trống về mặt điều kiện pháp lý để cấp thời gian thực hành, dù ở đây các em vẫn trực tiếp thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, nhưng trạm y tế không có giường bệnh nên khó cho các đơn vị trong việc cấp chứng chỉ thực hành. 

Để giải bài toán này, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, nhà trường đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế thí điểm mô hình bác sỹ tăng cường y tế cơ sở tại các cơ sở không có giường bệnh cũng được xem là trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, qua đó được xác nhận thời gian thực hành, linh động điều chỉnh quy định sao cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho bác sỹ mới ra trường làm việc tại y tế cơ sở.

Ở góc độ quản lý, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thí điểm triển khai các trạm y tế lưu động chăm sóc người F0 dựa vào cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch vừa qua. Bên cạnh đó, ông Tăng Chí Thượng nhận định, việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế hiện là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Dù đỉnh dịch đi qua nhưng ngành y tế vẫn xác định phải duy trì các trạm y tế lưu động và sớm thay đổi các chính sách để trạm y tế bao phủ số lượng dân phù hợp.

Ngoài lực lượng sinh viên Y5, Y6 đang hỗ trợ các trạm y tế lưu động, sắp tới dự kiến có thêm 750 nhân lực y tế tốt nghiệp vào tháng 12/2021 sẽ được điều về tuyến y tế cơ sở, góp phần đảm bảo đủ lực trong cuộc chiến với dịch COVID-19 thời gian tới.