Chưa tuân thủ quy trình an toàn lao động
Liên tiếp thời gian gần đây xảy ra các vụ tai nạn lao động, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là 2 vụ tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Yên Bái (huyện Yên Bình, Yên Bái) làm 7 người chết, 3 người bị thương; và Công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương nặng.
Theo kết luận điều tra ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái công bố, vụ tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Yên Bái do không ngắt nguồn điện vào máy nghiền nơi công nhân làm việc. Sau đó, Trần Mạnh Hùng là nhân viên cân băng liệu đã lấy một đoạn cán chổi bằng lõi gỗ chọc vào rơle đóng điện trên máy cắt, làm máy nghiền số 3 khởi động, khiến 7 công nhân tử vong.
Đối với vụ tai nạn nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đồng Nai cho biết, theo quy định, đối với các thiết bị như lò hơi phải trải qua các yêu cầu kiểm định rất nghiêm ngặt trước khi vận hành. Doanh nghiệp phải khai báo, kiểm định và nộp hồ sơ cho Sở LĐTBXH trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Công ty gỗ Bình Minh đã không thực hiện các quy định trên.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng thừa nhận, do trên địa bàn có khoảng 41.000 doanh nghiệp đang hoạt động, lực lượng thanh tra lao động mỏng nên Sở LĐTBXH Đồng Nai đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát doanh nghiệp hoạt động trên thực tế, nhất là với doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn chưa kiểm tra chấp hành quy định về ATVSLĐ.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), sau khi xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng trên, lãnh đạo Cục đã đến trực tiếp hiện trường và phối hợp với bên có liên quan, làm rõ nguyên nhân tai nạn lao động. Từ những kết luận ban đầu cho thấy, việc thực hiện quy trình đảm bảo an toàn lao động tại Nhà máy xi măng ở Yên Bái và vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai đều không thực hiện theo quy định về an toàn lao động, gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, từ một loạt vụ tai nạn lao động gần đây cho thấy, nhiều nhà máy, nơi làm việc và cả những hệ thống quản lý an toàn của các doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Không ít doanh nghiệp vẫn đang thực hiện ATVSLĐ ở mức tối thiểu nhằm đáp ứng quy định của pháp luật mà chưa xem xét công việc đó đã đáp ứng việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người lao động hay đã cải thiện tốt hơn môi trường làm việc hay chưa.
Đồng quan điểm, TS Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiện nay, các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động thực sự chưa quan tâm, chú trọng trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; việc huấn luyện còn hình thức, chưa sát với thực tiễn”.
Đơn cử, đối với người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải đảm bảo được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp trước khi giao việc và phải được tập huấn an toàn vệ sinh lao động với thời gian ít nhất là 24 giờ theo quy định và định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần phải được tập huấn lại hoặc tập huấn lại khi thay đổi công việc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp bố trí, giao việc cho người lao động chưa qua đào tạo hoặc giao việc rồi mới đào tạo bổ sung, gọi là “tay ngang, nghề dạy nghề; biết làm là cho làm, làm theo kinh nghiệm và thói quen”.
Giảm mất mát cho người lao động
Tai nạn lao động gây hậu quả nặng nề với người lao động và cả gia đình. Anh Nguyễn Kim Bình, Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (Hà Nội) chia sẻ: “Năm 2020, trong quá trình làm việc tại vị trí dập nguội, tôi không may bị tai nạn lao động và mất 1 nửa cánh tay trái. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, công đoàn cùng ban lãnh đạo công ty đã nhanh chóng đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu và chi trả toàn bộ viện phí. Bên cạnh đó, công đoàn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để tôi được nhận đầy đủ các chế độ bảo hiểm trong quá trình nghỉ việc và có thêm các chế độ hỗ trợ từ công ty”.
Sau thời gian 7 tháng nghỉ dưỡng bệnh, anh Nguyễn Kim Bình quay trở lại làm việc và được bố trí công việc mới phù hợp. “Từ thực tế bản thân, tôi thấm thía rằng công tác an toàn lao động luôn phải được người lao động đặt lên hàng đầu, bên cạnh những cố gắng của doanh nghiệp và cơ quan quản lý”, anh Nguyễn Kim Bình chia sẻ.
Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được phát động hằng năm, các cấp công đoàn và doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động. Bà Lê Thu Hằng, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp số 3 Hà Nội (Chi nhánh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) cho biết: Cùng với việc nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xí nghiệp rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy, phương án cấp cứu tai nạn lao động và xử lý sự cố.
những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa qua, từ đầu tháng 5 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng liên tục được thành lập, xuống các đơn vị, địa bàn, một mặt vừa kiểm tra, hướng dẫn về những quy định về an toàn vệ sinh lao động, mặt khác, theo dõi việc chấp hành những quy định về an toàn lao động của chủ sử dụng lao động và cả ý thức chấp hành của chính người lao động. Từ đó, cơ quan chức năng phân tích về những nguy cơ mất an toàn cho các đơn vị, để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện, đảm bảo điều kiện lao động.
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, tập huấn về ATVSLĐ là biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo công tác ATVSLĐ. Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2017 sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động được thông qua và có hiệu lực ngày 1/7/2016 lấy chủ đề công tác huấn luyện. Trong công tác an toàn lao động cũng vậy, việc huấn luyện sẽ là giải pháp hiệu quả nhất, quan trọng nhất, rẻ nhất, cần quan tâm nhất, cần trọng tâm nhất.
“Công tác an toàn, vệ sinh lao động phải thực hiện thường xuyên, liên tục bởi máy móc, công nghệ luôn đổi mới. Các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2023, các đoàn thanh tra trên cả nước đã đề nghị cơ quan công an khởi tố 22 vụ và các cơ quan công an khởi tố 19 vụ, nhằm răn đe những hành động tương tự”, ông Hà Tất Thắng cho biết.
Theo Cục An toàn lao động, trong thời gian tới, công tác tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động sẽ được tăng cường triển khai, trong đó với nhóm lao động tự do có sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với các doanh nghiệp, cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố gây tai nạn lao động. “Trong Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động, các địa phương tuyên truyền về Chỉ thị 31 của Ban Bí thư về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo quyền cho người lao động làm việc trong điều kiện an toàn; quan tâm các đối tượng lao động khu vực có quan hệ và không quan hệ lao động”, ông Hà Tất Thắng cho biết.