Câu chuyện SGK tiếp tục được dư luận và cử tri quan tâm trong bối cảnh năm học cũ kết thúc, học sinh sẽ có mùa hè để chuẩn bị cho năm học mới. Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dự báo sẽ có nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về vấn đề SGK mới, trong đó có tăng giá sách và việc thực hiện nội dung chương trình theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Để làm rõ thêm về vấn đề đang rất "nóng" này, PV Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục, TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên.
PV: Trên thực tế, khi áp dụng nhiều bộ SGK, có ý kiến lo ngại rằng sẽ dẫn tới rối, ảnh hưởng tới việc dạy và học, ví dụ như kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh? Lo ngại trên có cơ sở hay không và làm thế nào để giải quyết, thưa tiến sĩ?
Đây là vấn đề về tư duy giáo dục. Khung chương trình chỉ đưa ra yêu cầu về nội dung kiến thức và chuẩn đầu ra cần đạt được. Còn con đường làm thế nào đi từ nội dung khung ra được chuẩn kiến thức, người ta có nhiều cách thức khác nhau. Kiểm tra, đánh giá diễn ra đối với chuẩn kiến thức, năng lực ở khâu cuối, tức là có thể cho phép giảng dạy bằng phương pháp phù hợp. Trong quá trình đó, kiểm tra, đánh giá như thế nào cũng nên trao cho họ tự chủ, tự quyết định.
Đánh giá ở quy mô quốc gia, có thể thực hiện theo chặng, theo giai đoạn để kiểm soát chất lượng. Các trường tự phải có trách nhiệm đối với phụ huynh, với người học để đảm bảo rằng trong quá trình giảng dạy, học sinh đạt được kiến thức và năng lực tiêu chuẩn đó. Mặt khác, đề thi phải chuẩn hoá, bám sát khung chương trình và chuẩn năng lực, không phụ thuộc vào SGK và học liệu.
Ví dự như ở Úc, trẻ con học tiểu học hầu như không có SGK, tức là giáo viên mỗi trường có quyền tự do lựa chọn tài liệu giảng dạy. Nhà nước tổ chức kỳ thi toàn quốc vào các năm: lớp 3, lớp 5, lớp 7 và lớp 9. Phụ huynh có khi còn không biết có kỳ thi. Học sinh, giáo viên không chỉ chăm chăm học, luyện thi cho kỳ thi này mà bám sát theo chương trình. Kỳ thi diễn ra rất nhẹ nhàng. Các con thi xong, có điểm và kết quả báo về, phụ huynh cũng không quá quan tâm tới con mình đạt kết quả thế nào. Nhưng ở cấp quản lý cao hơn, ví dụ cấp Sở sẽ theo dõi kết quả thi để xem các trường giảng dạy như thế nào.
PV: Thưa chuyên gia, dường như cách nghĩ của chúng ta đối với SGK là chưa đầy đủ, chưa đúng đắn?
Con gái tôi từng học tiểu học ở Úc. Suốt mấy năm học, hành trang đến trường của con chỉ là một cái balo, trong đó nặng nhất là hộp cơm trưa và không có một quyển sách nào cả. Vì sao không có quyển sách nào cả mà người ta vẫn dạy được cho con mình đủ các loại kiến thức? Đấy là cái mình phải thực sự xem xét nghiêm túc. Trong khi đó, ở Việt Nam, trẻ con mình bây giờ quá khổ: Lớp 1, lớp 2 đã mang đủ loại sách, cặp sách to hơn người.
Nói chung, các phụ huynh thường có những nỗi lo không đáng có, mà không phải do họ. Đó là do sự mất lòng tin vào hệ thống giáo dục nói chung. Đáng lẽ trách nhiệm giải trình phải thuộc về cơ sở giáo dục.
Vấn đề chính yếu của giáo dục không phải xuất phát từ SGK. Chúng ta đang đổ lỗi cho SGK quá nhiều bởi vì chúng ta kỳ vọng vào nó quá nhiều, đặt cho nó vai trò quá lớn. Vấn đề gì cũng nói đến SGK, rồi cứ cải cách giáo dục là lại tính đến phương án cải cách SGK. Chúng ta cứ quanh quẩn với SGK, lệ thuộc vào nó, trong khi SGK chỉ là một mắt xích nhỏ trong toàn bộ quá trình giáo dục.
PV: Liệu chất lượng SGK của nước ta xuất bản gần đây đã tiệm cận với trình độ của SGK nước ngoài hay chưa? Làm cách nào để nâng cao chất lượng SGK như kỳ vọng?
Thực ra, rất khó so sánh SGK của Việt Nam với nước ngoài bởi vì cách tiếp cận vấn đề vốn không tương đương và không giống nhau. Ở nước ngoài, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Giáo viên có thể dùng cùng một tài liệu, nhưng không nói với học sinh đó là SGK và mỗi người lại có cách dạy của riêng mình. Hơn nữa để so sánh thì phải có phân tích cụ thể.
Về nguyên tắc, SGK phải biên soạn đi theo chương trình khung. Cách truyền đạt kiến thức, cách luyện tập, bố trí bài tập… sẽ khác nhau, tuỳ thuộc quan điểm nhóm làm SGK. Trong khi đó, ở nước ta, khung chương trình chưa ban hành thì nhà xuất bản đã tiến hành viết SGK. Họ cho rằng để kịp tiến độ thì phải cứ phải viết trước, rồi điều chỉnh. Tôi không cho rằng đây là cách tiếp cận ổn.
Tại Việt Nam, xây dựng chương trình gắn liền với biên soạn SGK; cải cách chương trình ở ta chủ yếu gắn với cải cách SGK. Phương pháp giáo dục không thay đổi, triết lý giáo dục nếu có cũng căn bản không thay đổi. Toàn bộ tư duy, cách làm chương trình và SGK của mình là không giống nhiều nước.
Để nâng cao chất lượng SGK, cần phải xuất phát từ xây dựng chương trình - được quyết định bởi việc xác định những phẩm chất, trí tuệ, năng lực, tri thức gì mà người Việt Nam cần phải có. Để đạt được những năng lực, tri thức ấy thì cần phải tổ chức giảng dạy như thế nào? Tất cả những điều này phải được thể hiện qua SGK và học liệu. SGK tốt là sách có nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả để hiện thực hoá các mục tiêu giáo dục. Khi có nhiều chuyên gia, trí thức tham gia biên soạn sách, mới có môi trường cạnh tranh về chất lượng; giáo viên có nhiều lựa chọn thì mới có cơ hội cho sách tốt được sử dụng.
PV: Như vậy, Bộ GD&ĐT có nên giảm bớt vai trò của mình trong việc thực hiện SGK như hiện tại?
Bộ GD&ĐT vốn là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải là cơ quan chuyên môn. Vai trò của Bộ là quản lý hoạt động của các đơn vị chuyên môn để đảm bảo chất lượng SGK.
Trong câu chuyện SGK, thì Bộ dưới sự giám sát của Quốc hội cần rà soát toàn bộ quy trình, xem xét chức năng quản lý cần thực hiện như thế nào, Bộ cần nắm khâu nào và cái gì thì giao cho các đơn vị chuyên môn độc lập thực hiện? Từ đó xác định chỉ thực hiện giám sát và quản lý chất lượng, đồng thời đặt ra các cơ chế hợp tác, phối hợp, giao việc phù hợp… nhằm đảm bảo chất lượng học liệu.