Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu và những khuyến nghị cho Việt Nam

Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".
anh-1-hoi-thao-1842023-1681875878.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các đại biểu: Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính; GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam;…

Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…); các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tổng hợp vấn đề, trong đó nhấn mạnh quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý. Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc này có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổng cục Thuế, sở dĩ có mâu thuẫn này là do khi đó các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn mang lại nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như trong việc duy trì các giải pháp thuế nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết, giải pháp của Việt Nam trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu theo khuyến nghị của Tổng cục Thuế như sau: Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

anh-2-hoi-thao-1842023-1681875878.jpg
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo

Trước mắt có khoảng 100 doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam với lộ trình như sau: Cần bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 01/01/2024.

Nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần: Có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động,  hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.

Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam trước ngày 01/01/2024, theo quy định  về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, nhằm tạo một mặt bằng tối thiểu về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên toàn cầu, nếu doanh nghiệp không nộp phần thuế  bổ sung này ở nước nhận đầu tư (nếu có số thuế nộp thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%) thì sẽ nộp ở nước có Công ty mẹ đóng trụ sở chính. 

Do vậy, việc áp dụng Quy định thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) đối với phần thuế TNDN chênh lệch từ thuế tối thiểu toàn cầu (15%) so với mức thực tế của doanh nghiệp đã và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khả năng xảy ra kiện liên quan đến việc bảo hộ đầu tư đối với các ưu đãi về thuế TNDN đang được hưởng là không cao. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị đảm bảo đầu tư thì căn cứ Luật Đầu tư để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế tài chính trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia; phân tích, đánh giá các tác động khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế, đầu tư thế giới và Việt Nam;...  

Trên cơ sở thảo luận, các đại biểu đã gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi cũng như duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nguyễn Liên