Sau nhiều sự cố cháy nổ gần đây, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 12/9 vừa qua, hàng loạt sai phạm trong công tác PCCC đã bị phanh phui. Người dân cũng đặt ra câu hỏi: Quy định PCCC tại các khu nhà trọ, chung cư mini có “lỗ hổng” hay không?
Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội sẽ giải đáp thắc mắc này.
Phóng viên: Thưa ông! Theo luật định khi xây dựng lên các khu nhà trọ, chung cư mini thì chủ hộ kinh doanh và người thuê trọ phải tuân thủ công tác PCCC như thế nào?
LS Hà Huy Từ: Liên quan đến công tác PCCC, cơ sở pháp lý cao nhất là luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều PCCC năm 2013. Ngoài ra, còn có các nghị định của Chính phủ như: 136/2020/NĐ-CP, 97/2021/NĐ-CP, 144/2021/NĐ-CP.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật này không quy định chi tiết chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ công tác PCCC như thế nào. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh và người thuê trọ là những công nhân nên họ phải tuân thủ các quy phạm của văn bản pháp luật. Ví dụ, họ phải thiết kế, quản lý việc lắp đặt điện tuân thủ các quy định về PCCC. Nếu họ sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ, thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC hoặc sử dụng điện quá tải so với thiết kế thì họ đã vi phạm pháp luật..
Phóng viên: Nếu mà vi phạm công tác PCCC như ông vừa nêu thì chủ hộ và người thuê nhà trọ sẽ bị xử phạt ra sao?
LS Hà Huy Từ: Căn cứ tính chất và mức độ, hậu quả thì người vi phạm các quy định về PCCC sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính. Khoản 2 Điều 30 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
b) Không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
c) Không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
d) Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
đ) Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
e) Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Nếu cơ quan chức năng xác định có vi phạm về PCCC gây thiệt hại cho người khác thì có thể khởi tố vụ án. Điều 313 Bộ luật Hình sự “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” quy định:Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng…
Phóng viên: Cũng là nhà trọ nhưng theo Nghị định số 79 của Chính phủ, các dãy nhà trọ cấp 4, giá rẻ không thuộc danh mục quản lý PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động. Nhiều người nghĩ đây là “lỗ hổng” của luật pháp. Còn ý kiến của ông thì sao?
LS Hà Huy Từ: Nếu nhiều người nghĩ rằng đây là “lỗ hổng” của luật pháp thì không đúng. Bởi vì, mặc dù các dãy nhà trọ cấp 4, giá rẻ, không thuộc danh mục các hồ sơ quản lý PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý hoạt động nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nhà trọ, người thuê trọ hoặc tổ chức cá nhân có liên quan lại lơ là và không quan tâm đến công tác PCCC. Bởi vì, nếu có vụ cháy xảy ra thì hậu quả nó sẽ rất khủng khiếp và khôn lường.
Phóng viên: Mặc dù những dãy nhà trọ đã có quy định về PCCC nhưng vẫn xảy ra rất nhiều vụ cháy nhà trọ xảy ra. Dưới góc độ là một luật sư, theo ông, để công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu nhà trọ, chung cư mini được đảm bảo thì pháp luật nên điều chỉnh như thế nào về PCCC tại những nơi này?
LS Hà Huy Từ: Theo tôi thì các quy định hiện nay về PCCC là tương đối đầy đủ cả về xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Tuy nhiên, công tác PCCC có liên quan đến hoạt động thực tiễn diễn ra hàng ngày của các cá nhân, tổ chức. Vì vậy, theo tôi các quy định về PCCC ở các khu nhà trọ cần được quan tâm ở các khía cạnh như sau.
Thứ nhất là cần tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra nên thực hiện từ cấp cơ sở, ví dụ, tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực nên thường xuyên kiểm tra nhắc nhở chủ phòng trọ, người thuê trọ phải tuân thủ các quy định PCCC.
Thứ 2, bản thân chủ nhà trọ và người thuê trọ cũng cần nâng nâng cao ý thức về PCCC và cụ thể hóa bằng các hoạt động thực tế như là thiết kế đường dây điện như thế nào cho hợp lý, lắp đặt ổ cắm điện như thế nào, được cắm bao nhiêu phích cắm, dùng điện phải tiết kiệm an toàn. Dân gian đã có câu nói “thủy, hỏa, đạo tặc”, cháy sẽ gây ra hậu quả rất là nghiêm trọng. Cơ quan chức năng như UBND phường nên có những buổi tổ chức cho người dân biết cách thức sử dụng an toàn các thiết bị điện, các thiết bị gas an toàn.
Thứ 3, đầu tư cơ sở vật chất các phương tiện PCCC hạ tầng kỹ thuật, giao thông,… phục vụ cho công tác PCCC phù hợp với từng địa bàn, nhất là những nơi lực lượng Cảnh sát PCCC khó tiếp cận… kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục với tăng cường và xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo Luật PCCC đã ban hành.
Vâng, xin cảm ơn ông!./.