Đây là một trong ba nhiệm vụ đột phá, tạo động lực để phát triển được Đại hội Đảng bộ TP. Tam Kỳ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nhằm mục tiêu xây dựng TP. Tam Kỳ phát triển nhanh, bền vững theo định hướng đô thị xanh, thông minh, đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030.
Cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, thì việc thực hiện luân chuyển cán bộ, qua đó nhằm phát huy có hiệu quả hơn năng lực, sở trường, hiệu quả trong công tác của cán bộ được Ban Thường vụ Thành uỷ xác định là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác cán bộ nói chung, Ban Thường vụ Thành uỷ Tam Kỳ ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ, như: Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 01/4/2021 về công tác luân chuyển cán bộ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 77-KH/TU, ngày 30/12/2022 luân chuyển, điều động cán bộ giai đoạn 2012-2025 (bổ sung năm 2022); Kế hoạch số 63-KH/TU luân chuyển cán bộ thực hiện chủ trương Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, phường không phải là người địa phương ; Quy định số 19-QĐ/TU, ngày 01/7/2022 về luân chuyển cán bộ và nhiều văn bản khác và nhiều văn bản khác với lộ trình, chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, dự kiến điều động, luân chuyển trên 50 đồng chí, trong đó có luân chuyển ngang giữa các xã, phường 10 đồng chí để thực hiện chủ trương Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, phường không phải là người địa phương, không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ban Thường vụ Thành uỷ Tam Kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác luân chuyển cán bộ, gặp mặt cán bộ luân chuyển để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ luân chuyển và xử lý các vấn đề liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ. Qua đó, tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất về quan điểm và giải pháp thực hiện công tác luân chuyển cán bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm và thẩm quyền của tập thể; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho thành phố; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ.
Từ đòi hỏi của phong trào ở địa phương và thực tiễn cán bộ, tính đến thời điểm hiện nay, Tam Kỳ đang thực hiện luân chuyển 42 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ), gồm: 17 đồng chí luân chuyển ngang giữa các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận – Đoàn thể; 12 đồng chí cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển, là lãnh đạo của các phòng ban về đảm nhiệm chức vụ Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các xã phường; 06 đồng chí luân chuyển từ xã, phường về giữ chức vụ Trưởng, phó phòng của thành phố.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành uỷ thực hiện luân chuyển ngang 07 đồng chí Bí thư ở các xã, phường: An Xuân, An Phú, An Sơn, Trường Xuân, Hoà Hương, Tam Phú, Tam Thăng, vừa đáp ứng chủ trương Bí thư Đảng uỷ không phải là người địa phương và không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Quá trình thực hiện việc luân chuyển nêu trên cơ bản thuận lợi, hầu hết cấp uỷ các cấp, cán bộ được luân chuyển thống nhất cao với chủ trương của Ban Thường vụ Thành uỷ Tam Kỳ, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát huy tốt hơn nữa năng lực, sở trường của cán bộ, qua đó đào tạo cán bộ, đồng thời cũng giúp cho từng địa phương có bước phát triển mới. Tuy nhiên, cũng có cán bộ còn băn khoăn khi đến địa bàn, cơ quan, đơn vị mới, phải tìm hiểu, nghiên cứu lại từ đầu tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị; lo lắng về sự đồng lòng, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở địa phương mới… ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Song, qua làm việc, phân tích của Ban Thường vụ Thành uỷ, đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận rất cao của các tập thể, cá nhân liên quan, quy trình bỏ phiếu kín nơi đi, nơi đến đều thống nhất 100% ở tất cả các đơn vị, tạo dư luận tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố.
Đến nay, thực tiễn trên cho thấy, công tác luân chuyển cán bộ của TP. Tam Kỳ đã được thực hiện khá nền nếp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và phát huy hiệu quả. Qua luân chuyển góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, làm cơ sở cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cả trước mắt và lâu dài; bổ sung, tăng cường cán bộ cho những địa bàn có nhiều khó khăn, kết hợp với việc bố trí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, phường không phải là người địa phương, không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp (11/13 xã, phường có BT, CT không phải là người địa phương, không giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp) vừa góp phần ngăn chặn, khắc phục những hạn chế có thể phát sinh do giữ chức vụ người đứng đầu quá lâu, như: cục bộ địa phương; vì nể, vì tình, thân quen, bà con trong dòng họ; tâm lý chủ quan, bảo thủ, kinh nghiêm chủ nghĩa, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền…Hơn nữa, thông qua đó nhằm thay đổi địa bàn mới, tạo ra khí thể mới, quyết tâm mới trong công việc đối với cán bộ.
Việc luân chuyển cán bộ đã tạo động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trong quy hoạch. Qua luân chuyển cán bộ, đã từng bước sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp hơn, tăng cường cán bộ cho những địa bàn khó khăn; dần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cán bộ qua luân chuyển đã có bước trưởng thành, tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, sát thực tế hơn. Nhiều cán bộ qua luân chuyển đã được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn.
Qua thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Tam Kỳ rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này trong thời gian đến như Cấp uỷ các cấp phải nhận thức đúng mục đích, yêu cầu, nội dung của điều động, luân chuyển cán bộ; từ đó, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên; coi điều động, luân chuyển cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và rất cần thiết trong công tác cán bộ.
Lãnh đạo công tác điều động, luân chuyển cán bộ phải chặt chẽ, gắn với công tác quy hoạch cán bộ; phải thực hiện tốt khâu đánh giá cán bộ, xác định rõ năng lực, sở trường công tác của cán bộ gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị mà chọn cán bộ và nơi điều động, luân chuyển thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ là một việc làm khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải đảm bảo nguyên tắc, dân chủ, công khai, thận trọng, chặt chẽ; cán bộ điều động, luân chuyển phải nằm trong diện quy hoạch và phải thật sự an tâm công tác trong thời hạn luân chuyển; phải thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ; đồng thời, uốn nắn những mặt còn hạn chế để cán bộ được điều động, luân chuyển khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ từ tư tưởng, tổ chức, chế độ chính sách, điều kiện môi trường công tác, thời hạn luân chuyển,... từng bước đưa công tác điều động, luân chuyển cán bộ đi vào nề nếp.
Từ những thành công ban đầu nêu trên, Ban Thường vụ Thành uỷ đã có chủ trương, kế hoạch để tiếp tục thực hiện mạnh hơn công tác này trong thời gian đến. Cùng với đó, thành phố đang kiên quyết thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính theo Chỉ thị 06-CT/Tu của Ban Thường vụ Thành uỷ, chấm dứt tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ, tình trạng trì trệ, “trên nói dưới không nghe”… bằng nhiều giải pháp cụ thể. Tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhằm xóa bỏ “chủ nghĩa cá nhân”, loại ra khỏi hệ thống những người yếu về năng lực, phẩm chất, nhất là có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân, là lực cản cho sự nghiệp phát triển của Thành phố.
Với tinh thần quyết liệt, hiệu quả, Tam Kỳ quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng suy nghĩ, đổi mới, sáng tạo, có tâm huyết, khát vọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố xứng tầm là đô thị Tỉnh lỵ Quảng Nam, đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.