Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Đáng chú ý, có trên 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ...
“Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, đồng thời bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo, trong quá trình sửa đổi Luật, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình và quan tâm các vấn đề về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng cũng như đặc thù vùng miền, dân tộc.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã, đồng thời rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế, tránh việc sửa đổi không cần thiết, chưa được đánh giá hiệu quả.
Liên quan đến trách nhiệm của công an xã trong phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, dự thảo Luật có quy định 3 điều về trách nhiệm của công an xã, nhưng thẩm quyền của công an xã lại rất mờ nhạt. Ví dụ, Điều 53 dự thảo Luật giao công an xã giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Đây là nhiệm vụ này rất nặng nề; trong trường hợp người vi phạm không chấp hành thì công an xã sẽ xử lý như thế nào?
Do đó, ông Lê Tấn Tới đề nghị nên nghiên cứu giao quyền cho công an xã được áp dụng biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ người tố giác và nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay từ đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ nét hơn ba nhóm chính sách trong dự án Luật gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa để phòng, chống bạo lực gia đình, bởi hậu quả về vật chất, tinh thần của bạo lực gia đình là rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự thảo Luật, quy định về bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục chưa rõ, trong khi sự giày vò về tinh thần nhiều khi còn nặng nề hơn thể chất. Ngoài ra, ban soạn thảo cần tiếp tục bổ sung, làm rõ đối tượng bạo lực gia đình đối với những người từng sống chung với nhau, từng có quan hệ nuôi dưỡng như “con nuôi”; đặc biệt rà soát đối với mẹ kế bạo hành với con riêng của chồng hoặc bố dượng xâm hại, bạo hành với con riêng của vợ...
Các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, đồng thời tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án Luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện vào dự án Luật này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào tháng 5/2022).