Phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có những lợi thế và khó khăn gì?

Đinh Thảo
Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được đánh giá sẽ mang lại giá trị doanh thu khổng lồ. Dưới đây là những chia sẻ, góc nhìn từ Giáo sư, Viện Sỹ (GS.VS) Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện công nghệ VinIT- Giáo sư Đại học năng lượng Quốc gia Moskva (Liên Bang Nga) về ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, những lợi thế và khó khăn khi Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp giàu tiềm năng này.
cn-ban-dan-1-1707708659.png
Trong các lĩnh vực công nghệ, công nghệ sản xuất chip rất phức tạp và thách thức nhất thế giới (Ảnh minh họa: Internet)

Thưa GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, với doanh thu hàng tỷ USD, ngành công nghiệp bán dẫn dường như đang tạo sức hút mạnh mẽ đối với Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ông có nhận xét gì về điều này?

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7/8/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu thị trường do Custom Market Insights công bố vào đầu tháng 8/2023, quy mô và doanh thu thị phần thị trường chip bán dẫn toàn cầu được định giá khoảng 580 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 634,5 tỉ USD vào năm 2023. Con số này, dự kiến sẽ đạt khoảng 1.124 tỉ USD vào năm 2032.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam đã tăng từ 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022, lên 562,5 triệu USD vào tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng giá trị xuất khẩu chip từ Việt Nam vào Mỹ đến từ doanh nghiệp FDI, cụ thể là Intel và một phần nhỏ của Samsung. Những con số trên rất đẹp từ thị trường đóng góp của Việt Nam, nhưng đằng sau con số đó, nhân công Việt Nam làm ở Intel đa phần cấp thấp, ở phần giá trị gia tăng cũng thấp nhất, cuối cùng của công đoạn sản xuất đó là kiểm định, lắp ráp và đóng gói. Toàn bộ sản xuất chất bán dẫn và thiết kế cán bộ
người Việt Nam hầu như không được tham gia.

Tôi nhớ ngày trước khi Intel bắt đầu đầu tư vào Việt Nam họ chỉ tuyển 40 kỹ sư công nghệ bán dẫn nhưng chúng ta không đáp ứng được. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu so với thị trường lao động công nghệ cao mà thế giới đòi hỏi. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả, chúng ta có doanh số xuất khẩu, nhưng đó là nhờ Intel và Samsung.

Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không dễ và phải làm bài bản từ nghiên cứu cơ bản, có đầu tư lớn về trang thiết bị, về con người, phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phải tự nghiên cứu ra một số sản phẩm công nghệ của riêng mình.

cn-ban-dan-2-1707708763.png
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT - Giáo sư Đại học năng lượng Quốc gia Moskva (Liên Bang Nga)

Thưa Giáo sư, đề xuất xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 50.000 kỹ sư, Việt Nam cần có những điều kiện gì để đạt được mục tiêu trên?

Như các bạn đã biết, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam vào tháng 9 vừa qua và sau đó là chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ đã có gợi ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn (chưa có cam kết bất cứ điều gì). Sau đó không lâu, Tổng thống Indonesia cũng nhận được gợi ý tương tự từ Tổng thống Mỹ để xây dựng ngành công nghiệp này như với Việt Nam. Mỹ cũng tiến hành đàm phán với các đối tác khác như Ba Lan, Malaisia. Điều đó cho thấy Việt Nam chưa phải lựa chọn duy nhất của họ.

Ngày 19/9/2023, Cadence Design Systems (Mỹ) và Đại học bang Arizona (ASU) đã hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thông qua đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang đề xuất NIC phối hợp với ASU để sử dụng một nguồn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ (khoảng 50 triệu USD) nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cam kết hỗ trợ NIC 12,5 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn. Thông tin trên cho thấy, điều kiện khách quan hiện nay tương đối thuận lợi cho Việt Nam nhưng chưa đủ, chưa phải là căn bản, là điều kiện tiên quyết.

Để đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn chúng ta phải đáp ứng các điều kiện: Lực lượng cán bộ, chuyên gia cao cấp cho đào tạo của các trường đại học khoa học và công nghệ; hệ thống trang thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên ngành phục vụ nghiên cứu và đào tạo; hệ thống chương trình, tài liệu nghiên cứu và công nghệ phục vụ công tác đào tạo.

Xem xét 3 yếu tố trên, cho thấy chúng ta chưa có lực lượng chuyên gia có đủ năng lực để đào tạo. Hệ thống trang thiết bị, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu rất thiếu. Chương trình, tài liệu cho nghiên cứu và đào tạo các chuyên ngành bán dẫn còn sơ sài, lạc hậu. Ngành đào tạo bán dẫn đòi hỏi rất cao về chất lượng chứ không phải số lượng.

Ngay cả con số vì sao lại đào tạo 50.000 người thì cơ sở khoa học cũng còn yếu. Nếu chúng ta có đủ điều kiện để đào tạo số lượng này thì thu xếp việc làm cho 50.000 lao động trong lĩnh vực bán dẫn cũng không đơn giản, đòi hỏi phải có ngành công nghiệp này. Số lượng lao động cần bao nhiêu vẫn phải để cho thị trường quyết định mới đúng và bền vững.

Các nước phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như thế nào, thưa Giáo sư?

Đài Loan (Trung Quốc) đã tiến hành đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhật Bản thì từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Cả hai đều có sự trợ giúp đắc lực của Mỹ về công nghệ. Một số nước khác cũng vậy nhưng đều phải mất 30-50 năm mới thành công. Việt Nam có thể chuẩn bị một khoảng thời gian như thế để làm công nghiệp bán dẫn không? Chúng ta có đủ nguồn lực để làm điều đó không với hàng chục tỷ USD cần phải đầu tư? Hiện các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài đang hoạt động “nhờ” ở Việt Nam, nếu họ rút đi chúng ta hầu như không có gì cả (cả công nghệ, thiết bị và con người). Tôi tin rằng, thậm chí chúng ta chưa đủ năng lực để vận hành một nhà máy như của Intel hay Samsung hiện nay.

Trên thế giới thì Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã sản xuất và thương mại hóa từ năm 2022 chip 3 nm, họ đã nghiên cứu thành công chip 2 nm, dự kiến thương mại hóa vào năm 2025. TSMC, Samsung và một số tập đoàn công nghệ khác đang tiến hành nghiên cứu chip 1 nm với kế hoạch thương mại hóa vào năm 2032. Nếu chúng ta muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn thì chúng ta không những phải đuổi theo mà còn phải bắt kịp các nghiên cứu 1 nm về công nghệ.

cn-ban-dan-3-1707708763.png
Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không dễ và phải làm bài bản từ nghiên cứu cơ bản, có đầu tư lớn về trang thiết bị, về con người (Ảnh minh họa: Lê Tất Tiên)

Vậy theo Giáo sư, nên làm như thế nào để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Trong công nghiệp bán dẫn có hàng chục loại vật liệu bán dẫn, hàng trăm ứng dụng với các sản phẩm công nghệ khác nhau. Nhiều sản phẩm các nước đã làm tốt và chiếm lĩnh vị trí trong chuỗi cung ứng rồi. Chúng ta mới tham gia lĩnh vực công nghệ cao chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn.

Cần cân nhắc kỹ có nên đầu tư lớn vào ngành công nghiệp này hay không? Chúng ta phải xác định xem chúng ta có thể làm gì trong ngành này, công nghệ gì, sản phẩm gì trong chuỗi giá trị công nghệ và sản phẩm của thế giới? Xác định sai nhiệm vụ và đánh giá không đúng khả năng của mình, chúng ta sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.

Trước hết, cần cơ cấu tổ chức lại các trường đại học, viện nghiên cứu theo hướng tích hợp và dùng chung nguồn lực về con người, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, tài liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần giải quyết cơ bản các nhiệm vụ đặt ra về công nghệ, giảm thiểu những khó khăn vướng mắc, phát huy các yếu tố thuận lợi, tận dụng tối đa năng lực của hệ thống nghiên cứu và đào tạo hiện nay.

Đổi mới phương pháp, mô hình tổ chức quản lý, hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo theo hướng gọn nhẹ, gắn hệ thống trang thiết bị với các nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo. Hệ thống trang thiết bị cho nghiên cứu cần được đầu tư hiện đại, đảm bảo tính cạnh tranh trong nghiên cứu.

Không đầu tư dàn trải. Tập trung cho một số công nghệ mũi nhọn, công nghệ lõi, công nghệ nền với nhu cầu nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược lâu dài, có ý nghĩa lớn lao, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Sự trợ giúp về công nghệ, đầu tư và tổ chức, quản lý của các đối tác chiến lược là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhưng người thực hiện để có thể xây dựng thành công ngành công nghiệp này vẫn phải là chúng ta. Không ai có thể làm thay cho chúng ta được.

Phải xây dựng cơ chế đặc biệt với hệ thống thu hút và chuyển giao công nghệ, chất xám. Đồng thời, phải có các phát minh công nghệ của riêng mình mới có thể đi cùng với thế giới trong chuỗi sản phẩm bán dẫn.

Xác định thị trường và các sản phẩm bán dẫn mà Việt Nam có thể tham gia. Sản phẩm đầu ra ngành công nghệ bán dẫn phải được điều tiết bằng cơ chế chung của thị trường, thỏa mãn nhu cầu thị trường trong nước và trên thế giới…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thu Hường