“Ông trùm” chăn nuôi CP vừa vướng nghi vấn bán heo bệnh là ai?

Tập đoàn C.P. Group (công ty mẹ của CPF) đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1988, nhưng ít ai biết đến người đàn ông quyền lực đứng sau đế chế thực phẩm này lại là tỷ phú giàu nhất Thái Lan.

Ông Dhanin Chearavanont sinh ngày 19/4/1939 tại Thái Lan, hiện ông đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) - đây là tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan và thuộc top đầu doanh nghiệp nông nghiệp và bán lẻ trên thế giới. Vị đại gia này là thế hệ thứ hai của đế chế gia tộc Chearavanont nổi tiếng Thái Lan.

Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Dhanin và gia đình đang đạt khoảng 44,1 tỷ USD, xếp hạng thứ 19 thế giới và vươn lên vị trí thứ hai châu Á chỉ sau gia tộc Ambani (Ấn Độ).

cp-1748586520.jpeg
Ông Dhanin Chearavanont là người đứng sau đế chế chăn nuôi hàng đầu thế giới

Dưới sự dẫn dắt của Dhanin và những người trong gia đình, sản phẩm nông nghiệp của tập đoàn này đã chinh phục được từ thị trường nội địa và quốc tế. Từ đó, đặt nền móng biến CP trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo tài ba của ông Dhanin Chearavanont, CP Group còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như bán lẻ (chuỗi 7-Elevenl), tài chính – bảo hiểm, viễn thông – truyền hình cáp, bất động sản, hóa chất, ô tô...

Theo Forbes, ông Dhanin Chearavanont đang sở hữu khối tài sản cá nhân lên đến 15,2 tỷ USD, nhờ đó đã giúp ông góp mặt trong danh sách Tỷ phú thế giới (World’s Billionaires).

Năm 2017, ông Dhanin chuyển giao ghế Chủ tịch cho con trai cả Soopakij và CEO cho Suphachai sau 48 năm lăn lộn trên thương trường, tuy nhiên, ông vẫn giữ vai trò cố vấn cấp cao phía sau sự thành công của tập đoàn,

Tại thị trường Việt Nam, Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đang đẩy nhanh kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để huy động vốn và mở rộng phạm vi hoạt động tại nước ta.

Giám đốc điều hành Prasit Boondoungprasert cho biết, sau nhiều năm không có tiến triển, mới đây, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang bắt đầu xem xét đề xuất IPO của C.P. Vietnam Corporation.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam là thị trường nước ngoài đóng góp lớn nhất vào doanh thu của CP Foods vào năm 2024 với tổng doanh thu 122 tỷ baht (khoảng 3,6 tỷ USD).

Theo đại diện của CP Foods cho biết, tập đoàn đang hướng tới việc tập trung mạnh vào thị trường Việt Nam, biến nơi này trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong những năm sắp tới, với hàng loạt chiến lược quan trọng để củng cố thương hiệu.

cp1-1748586521.jpeg
Tại thị trường Việt Nam, Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đang đẩy nhanh kế hoạch IPO

Hiện nay, CP Foods đã gia tăng đầu tư vào các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn, chế biến thực phẩm trên toàn cầu. Hiện, công ty đang hoạt động tại 18 quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo doanh thu trong năm 2024, CP Foods ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đạt 19,6 tỷ baht (580 triệu USD). Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của công ty từ năm 2020 đến nay.

Lùm xùm trên mạng xã hội

Sáng 30/5, mạng xã hội xuất hiện bài đăng từ tài khoản "Jonny Lieu" – người tự xưng là nhân viên bộ phận bán hàng của C.P. Việt Nam, phụ trách mảng thịt heo tại khu vực gia công. Theo nội dung đăng tải, người này tố cáo hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh tại cửa hàng CP Fresh Shop Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Cụ thể, "Jonny Lieu" cho biết trong quá trình làm việc, anh cùng một số nhân viên và người dân địa phương phát hiện việc công ty thường xuyên đưa thịt heo, thịt gà bệnh, có dấu hiệu hư hỏng như nổi mụn, áp xe, mưng mủ, thậm chí bốc mùi hôi thối về tiêu thụ tại cửa hàng. Một số lô hàng được cho là đã qua sơ chế, không đảm bảo vệ sinh vẫn tiếp tục được bày bán cho người tiêu dùng.

502542003-9810532302407767-6979207146682610849-n-1748590266.webp
Tài khoản mạng xã hội có tên "Jonny Lieu" tố cáo C.P. Việt Nam hàng ngày thường xuyên trà trộn thịt heo bệnh để đưa về cửa hàng Fresh Shop Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tiêu thụ. Ảnh: FB Jonny Lieu.

Ngoài ra, người tố cáo còn cho rằng lãnh đạo công ty chỉ đạo việc “pha lốc” – chia nhỏ thịt giá rẻ để bán cho người dân làm lạp xưởng, xúc xích. Đáng chú ý, có trường hợp xúc xích hết hạn sử dụng bị yêu cầu tháo nhãn hiệu, tiếp tục chế biến thành chả chiên.

Đến trưa cùng ngày, C.P. Việt Nam có công văn chính thức gửi khách hàng và đối tác, bác bỏ thông tin từ tài khoản trên.

Anh Quân