Với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”, Hội Báo toàn quốc 2023 diễn ra trong 3 ngày từ 17 đến 19/3, tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Chủ đề được Ban tổ chức lựa chọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh báo chí đang phải đương đầu, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động đổi mới, sáng tạo trong cách thức làm báo hiện đại, đồng thời gắn với lương tâm, trách nhiệm, văn hóa và đạo đức của người làm báo.
Bên cạnh các sự kiện văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, hấp dẫn, nét đặc sắc của Hội báo năm nay là những hoạt động nghiệp vụ có chất lượng cao, có tính thời sự, trong đó điểm nhấn là Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của giới báo chí và công chúng, nhất là khi thời gian qua chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ, kèm theo đó là sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, cụ thể là ứng dụng chatbot AI ChatGPT.
Định hướng sáng tạo và quản trị sáng tạo cho từng nhà báo và mỗi cơ quan báo chí
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hội thảo đề cập đến vấn đề “nóng” của báo chí số. Đây là cơ hội cho các nhà báo, các cơ quan báo chí cùng nhận diện xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó định hướng sáng tạo và quản trị sáng tạo cho từng nhà báo và mỗi cơ quan báo chí.
Kéo dài trong khoảng 3 giờ đồng hồ (từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút) ngày 18/3, hội thảo có sự tham gia của ít nhất của 10 chuyên gia, các tổng biên tập và những người làm báo, trao đổi về việc ứng dụng sáng tạo nội dung thử nghiệm thực hiện sử dụng AI như các trợ lý ảo hỗ trợ cho những hoạt động tổ chức và quản lý sáng tạo nội dung trong toà soạn.
Thông tin về sự kiện này, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết: “Ý tưởng của Hội báo năm nay là phải đề cập tới những vấn đề nóng nhất mà báo giới Việt Nam đang phải đối mặt, đó là sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là ứng dụng AI, vừa qua do cơn sốt về ChatGPT đã có tác động rất mạnh đến nền báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”.
Chính vì vậy, điểm nhấn của mảng nghiệp vụ năm nay là mảng chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông, trong đó Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” là hội thảo lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc.
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, công tác chuẩn bị hội thảo đã được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, với sự nỗ lực cao. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị về nội dung như xác định được các nhóm chủ đề, tiếp cận với các chuyên gia để mời gửi, trình bày tham luận.
“Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20 tham luận từ các thính giả, các nhà báo, nhà khoa học, chuyên gia gửi đến Hội thảo. Điều này cho thấy chủ đề mà hội thảo đưa ra là vấn đề rất nóng, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí” - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã phối hợp Báo Tuyên Quang tổ chức một cuộc hội thảo tại Báo Tuyên Quang với chủ đề: “ChatGPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức” kéo dài trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Với sự tham gia của 5 chuyên gia và nhiều nhà báo, được livestream trên fanpage của Báo Tuyên Quang, hội thảo là bước khởi đầu để đánh giá nhu cầu, khai mở các vấn đề quan tâm của các giới báo chí, đồng thời làm rõ các vấn đề đặt ra với báo chí - truyền thông hiện nay trước cơn lốc ChatGPT cũng như các công nghệ AI khác.
Đối mặt thách thức và tận dụng cơ hội mà trí tuệ nhân tạo mang lại
Trong bối cảnh sự xuất hiện của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra những thách thức và yêu cầu mới đối với báo chí-truyền thông, việc nhận diện xu hướng, cách tiếp cận và ứng dụng các công cụ AI như thế nào là những nội dung được nhiều cơ quan báo chí và nhà báo rất quan tâm.
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, đặc thù của tin tức là chúng ta phải chạy đua với thời gian để đưa tin. Nếu chúng ta không biết cách tận dụng sức mạnh của các ứng dụng AI thì khi những lực lượng khác trong nước và thế giới sử dụng chúng với tốc độ chóng mặt như thế, chúng ta sẽ không thể làm tốt vai trò của báo chí là điều hướng dư luận xã hội.
“Chúng ta phải đối mặt và học cách sử dụng những công cụ này. Tận dụng những cơ hội và phân tích những vấn đề đặt ra để từng bước, sớm nhất có thể để xử lý những vấn đề đó” - PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.
Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, môi trường pháp lý, khung chuẩn mực đạo đức cũng như hệ thống văn hóa bảo đảm cho việc sử dụng và ứng dụng công nghệ AI trong môi trường truyền thông số nói chung và cho báo chí của Việt Nam nói riêng trong quá trình chuyển đổi số.
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, trong khuôn khổ hội thảo sẽ có ít nhất 2-3 cơ quan báo chí trình bày khá chi tiết sẽ trình bày ứng dụng AI trong quá trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, cũng như quản trị nội dung trong tòa soạn. Những quá trình thử nghiệm này bước đầu giúp chúng ta có căn cứ để thảo luận, phân tích xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí-truyền thông ở Việt Nam.
Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” kéo dài trong 3 giờ từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 18/3.
Chủ trì hội thảo là các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Tổ chức sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam; PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu đề dẫn và có bài thuyết trình với chủ đề “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam”.
Một số diễn giả khác tại Hội thảo gồm: Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển mới; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Ngô Trần Thịnh, nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông.