Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, trong đó chốt việc đổi tên Luật Căn cước và thẻ căn cước.
Không in vân tay, đặc điểm nhân dạng lên mặt thẻ căn cước
Luật Căn cước mới đã nêu rõ các thông tin thay đổi thể hiện trên thẻ căn cước.
Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy; Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Dòng chữ "CĂN CƯỚC"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.
Như vậy so với Luật Căn cước công dân hiện hành, thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên căn cước. Thay vào đó, thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, nhóm máu, số CMND 9 số, tôn giáo, thông tin nhân dạng, thẻ BHYT, giấy phép lái xe… sẽ được mã hóa, lưu trữ trong chip.
Người được cấp thẻ căn cước bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu…
CCCD còn hạn sử dụng không cần đổi
Để tạo điều kiện cho người dân thực hiện một số giao dịch liên quan đến CMND trong giai đoạn chuyển tiếp, luật quy định CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Ngoài ra, luật cũng quy định: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Việc đổi tên thẻ căn cước không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.