Nhiều trường đại học đang định hướng triển khai chuyển sang mô hình đại học

Đinh Thảo
Sau khi luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực, sự khác biệt giữa Đại học và trường Đại học không nhiều, nhưng lại là sự khác biệt mang tính 'đẳng cấp'. Vì thế sau Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay nhiều trường đại học lớn đã và đang lên kế hoạch phát triển thành đại học đa ngành với nhiều trường thành viên để thay đổi mô hình quản trị.
dhbkhn-5-12-1670385330.jpg
Sau Đại học Bách khoa Hà Nội nhiều trường đại học khác cũng đang có kế hoạch chuyển sang mô hình đại học. Ảnh (HUST)

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ thành Đại học UEH

Tháng 5.2021, Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã thông qua Đề án tái cấu trúc trường Đại học này thành Đại học đa ngành. Trong đó, giai đoạn 1 (2021 - 2025) hình thành Đại học UEH đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM hiện nay, với 3 trường thành viên. Ở giai đoạn 2 (2026 - 2030), ĐH UEH hình thành thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường Đại học ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ cuối tháng 10.2021, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Với việc ra mắt 3 trường này, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã bắt đầu mô hình trường trong trường Đại học và sau đó tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Đại học UEH.

Đại học Cần Thơ sẽ có 4 trường thành viên

Tháng 6.2021, Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 34 phê duyệt chủ trương chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ. Nghị quyết này giao hiệu trưởng xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình các đơn vị chức năng có thẩm quyền quyết định. Nghị quyết này đã được Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ nhiệm kỳ 2020 - 2025, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 25.6.2021 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Đầu tháng 7.2021, Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục có Nghị quyết 36 phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường Đại học Cần Thơ, gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Nghị quyết giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình hội đồng trường quyết định.

Lộ trình chuẩn bị triển khai của các trường khác

Chưa triển khai nhưng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một đại học với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và phát triển, Trường Khoa học.

Dù chưa có đề án chính thức, nhưng PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên: trường Kinh tế, trường Kinh doanh và trường Khoa học công nghệ. Đặc biệt, định hướng cơ bản của trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Lãnh đạo các trường khác cũng đang nghiên cứu kế hoạch phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên.

Trước khi Đại học Bách khoa Hà Nội "lên đời", cả nước có 5 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Phương Thảo - TH