Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng vừa công bố danh sách 334 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài, số tiền lớn trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 31/8. Trong đó, doanh nghiệp có số tiền nợ lớn nhất là Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) với 13,6 tỷ đồng.
Kế đến là Chi nhánh II - Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (đường Trường Sa, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) 12,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 (đường Nguyễn Văn Cừ, quận Liên Chiểu) 10,9 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng có số tiền nợ lớn gồm: Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD (đường Tôn Thất Đạm, quận Thanh Khê) 8,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 7 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), 7,1 tỷ đồng.
Công ty TNHH KOKILI Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) 1,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần An Phú Quý (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) 1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV thiết kế kiến trúc RAYMOND Việt Nam (đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) 1,7 tỷ đồng…
Theo Bảo hiểm Xã hội TP Đà Nẵng, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền rất lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Cụ thể, việc doanh nghiệp nợ BHXH sẽ làm gián đoạn quá trình ghi nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi về BHXH của người lao động khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, khi doanh nghiệp nợ BHXH từ 30 ngày trở lên, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động sẽ bị khóa. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động khi đi khám chữa bệnh và được hưởng các quyền lợi về BHYT.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, việc doanh nghiệp nợ BHXH là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể của người lao động do việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ hồi giữa tháng 7 văn bản số 4899/VPCP-TH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về phản ánh doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Văn bản nêu rõ, theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tình trạng nợ đóng BHXH diễn ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, số tiền nợ khó thu hồi tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hoặc chủ bỏ trốn đã lên đến 4.000 tỉ đồng, khiến hơn 213.400 người bị "treo" quyền lợi...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát nắm tình hình báo chí phản ánh về việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đồng thời có các phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014; không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT là vi phạm Luật BHYT số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các hành vi này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.