Nguyễn Văn Vĩnh – Người khởi động nền văn chương Quốc ngữ (*)

Nguyễn Văn Vĩnh, người khởi xướng công cuộc truyền bá chữ Quốc ngữ, cũng chính là người đóng vai trò tiên phong khai mở hoạt động báo chí, xuất bản ngay từ buổi đầu hình thành của nó, vào thập niên đầu thế kỷ XX.

Sau hơn 10 năm là công chức cao cấp trong bộ máy hành chính ở Lào Cai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, vào năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện được một chuyến đi quan trọng: Dự Triển lãm thuộc địa ở Marseille, và tham quan nghiên cứu đời sống báo chí, xuất bản ở Paris.

nlntv-nguyen-van-vinh-1656383881.jpg
Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh

Từ sau 1907, ông thôi hẳn nghề công chức – hứa hẹn một đời sống quyền thế, giàu sang – để chuyển sang một hướng lập nghiệp mới là xây dựng nhà in, tổ chức ra báo và in sách với sự cộng tác của Schneider – một doanh nhân người Âu đã sang Việt Nam từ 1882 để nhận thầu với Phủ Toàn quyền các công việc in ấn ở Đông Dương. Trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, khi công cuộc khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân mới chỉ bắt đầu, một hướng chọn nghề như vậy phải nói là thật bạo gan, nếu không nói là mạo hiểm. Người có biệt hiệu Tân Nam Tử là Nguyễn Văn Vĩnh chính là người sớm nhất đứng ra tổ chức, sáng lập và chủ trì nhiều tờ báo lớn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc ở Hà Nội, kể từ Đăng cổ tùng báo, tiếp tục Đại Nam đồng văn nhật báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1910), rồi Đông Dương tạp chí (1913-1917), Trung Bắc tân văn (ra hàng ngày bằng Quốc ngữ, từ 1917), L’Annam nouveau (1931)… Nhà in, rồi Nhà xuất bản Trung Bắc tân văn và Công ty Vĩnh Phúc Thành do ông sáng lập là những cơ sở sản xuất và kinh doanh lớn về in ấn, được một cộng sự tin cậy là Đỗ Văn, một kỹ sư rất lành nghề đã qua trường đào tạo ở Pháp về trông coi.

Ở Nguyễn Văn Vĩnh, chủ trương truyền bá chữ Quốc ngữ và hoạt động kinh doanh in ấn là gắn bó mật thiết với nhau. Ra báo, in báo là để phổ cập và phát triển việc sử dụng Quốc ngữ. Trước tác, phiên âm, dịch thuật bằng Quốc ngữ và chuyển sang Quốc ngữ sẽ đưa hoạt động báo chí nhanh chóng trở thành một phong trào sâu rộng, đáp ứng cho nhu cầu canh tân, hiện đại hóa đời sống văn hóa, văn chương, học thuật dân tộc.

Trên các phương tiện báo chí và in ấn được tạo dựng trong khoảng hơn 20 năm, Nguyễn Văn Vĩnh đã tập hợp được một lực lượng cộng sự rất đáng kể trên hai khu vực Hán học và Tây học nhằm xây dựng một nền Quốc văn mới bằng chữ Quốc ngữ. Lực lượng này gồm những tên tuổi rất đáng trọng nể như Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh, Tản Đà… Họ đều là những người uyên thâm về Hán học, nhiều người còn có vốn Tây học. Ngót 30 năm sau, trong Nhà văn hiện đại, Quyển I (1941), Vũ Ngọc Phan đã có thể nhận xét về họ như sau: “Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất có công với Quốc văn (…) vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người còn bỡ ngỡ. Ông lại hội họp được những cây bút có tiếng, gây nên được phong trào yêu mến Quốc văn trong đám thanh niên trí thức đương thời, vì ngoài một vài quyển tạp chí có giá trị, thanh nhiên hồi xưa không làm gì có những sách Quốc văn như bây giờ để đọc. Mà Đông Dương tạp chí hồi đó như thế nào? Người Tây học có thể thấy trong đó có những tinh hoa của nền cổ học Trung Hoa mà nước ta đã chịu ảnh hưởng lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương là những tư tưởng mà người Việt Nam ta cần biết rõ để mà thâu thái. Những bài bình luận, những bài tham khảo về Đông phương và Tây phương đăng liên tiếp trong Đông Dương tạp chí ngày nay giở đến, người ta vẫn còn thấy là những bài có thể dựng thành những bộ sách biên tập rất vững vàng và có thể giúp ích cho nền văn học Việt Nam hiện đại và tương lai”(1).

Cần nói thêm, bản thân Nguyễn Văn Vĩnh, vừa làm báo, vừa tổ chức nhà xuất bản, nhà in, vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội, vẫn còn sức thực hiện một khối lượng có thể nói là khổng lồ các trước tác và dịch thuật, ở tư cách một trí thức uyên bác, và một cây dịch thuật có hạng. Ông đã để lại nhiều chục bản dịch các tác gia lớn của văn học phương Tây, gồm từ Molière, Perault, Lesage, Abbé Prévost, A. Dumas, Victor Hugo, Fénélon, Plutarque, trong đó rất đáng ghi nhớ là các bản dịch Mai nương lệ cốt (Manon Lescaut) của A. Prévost, Những kẻ khốn nạn (Les Misérables) của V. Hugo, và Thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Số lớn các dịch phẩm trên đều được đăng tải trên Đông Dương tạp chí, từ 1913 đến 1917; và về sau, từ cuối những năm 1920 đến đầu 1930, đã được in thành sách trong Tủ sách Âu Tây tư tưởng cũng do ông chủ trương.

Bản dịch lần thứ hai bài Con ve và con kiến (La cigale et la fourrmie) của La Fontaine với lối gieo vần và ngắt đoạn rất phóng khoáng, có thể xem là bài “Thơ mới” đầu tiên ở nước ta, xuất hiện trước bài Tình già của Phan Khôi ngót 20 năm.
Trong bản in lần thứ nhất, năm 1907, bài thơ ngụ ngôn này được dịch theo thể lục bát; đến bản dịch lần thứ hai được ông soạn lại năm 1914 có mở đầu như sau:

Ve sầu kêu ve ve/ Suốt mùa hè/ Đến kỳ gió bấc thổi/ Nguồn cơn thật bối rối/ Một miếng cũng chẳng còn/ Ruồi bọ không một con…

Bản dịch này rồi sẽ là bản ổn định và tin cậy trong bộ nhớ bao thế hệ độc giả của Nguyễn Văn Vĩnh, cho đến nay.

Nhận xét về công của Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (1941) cũng thống nhất như Vũ Ngọc Phan:

“Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp liệp tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng, phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm, phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng (…)

Văn ông bình thường, giản dị, có tính cách phổ thông tuy có châm chước theo cú pháp của văn Tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta…

Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp vậy”(1).

Đây cũng là nhận định sau khoảng lùi ngót 30 năm. Ngót 30 năm của một thời, ở nước ta, nói như Vũ Ngọc Phan “một năm đã có thể kể như 30 năm của người rồi”(2).

Sau một khoảng lùi “30 năm”, lại là 30 năm với gia tốc lớn như vậy, mà các sản phẩm vẫn giữ nguyên giá trị, khiến “ít kẻ sánh kịp”, phải nói văn viết và văn dịch Quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh là hiện đại biết chừng nào!

Như vậy là ngay từ 1907 – khi cho in lên đầu trang bìa các tập mỏng của bộ Tam quốc chí diễn nghĩa (do Phan Kế Bính dịch, Nguyễn Văn Vĩnh nhuận sắc để bán rất rẻ hoặc cho không người mua) giòng chữ nổi tiếng: “Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”, Nguyễn Văn Vĩnh quả đã tạo dựng được một sự nghiệp đồ sộ trên lĩnh vực kinh doanh in ấn báo chí, xuất bản. Cũng chính trên các phương tiện in ấn do mình chủ trương, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện được một sự nghiệp trước tác và dịch thuật khó ai theo kịp, góp phần quan trọng thúc đẩy nền văn chương Quốc ngữ lên một trình độ phổ cập và hiện đại, mà công cuộc canh tân văn hóa đòi hỏi.

Người có biệt danh Tân Nam Tử có lẽ là một trong số rất ít người Việt Nam sớm nhất mặc Âu phục, tóc húi cao, đội mũ cát “côlônhân” (colonial – thuộc địa), đi giầy da, cưỡi xe môtô Terror đỏ chót, nói cười khoáng đạt, cởi mở. Là người sáng lập Hội dịch sách và Hội Trí Tri ở Hàng Quạt, năm 1907 để cổ động cho việc nâng cao dân trí và truyền bá chữ Quốc ngữ. Là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội  nhân quyền Pháp năm 1906; rồi cùng với bốn thành viên người Pháp trong Hội ký đơn gửi Toàn quyền Đông Dương đòi tha cho Phan Châu Trinh, khi Phan bị đầy ra Côn Lôn, với án “trảm giam hậu”. Có quan điểm chính trị gần gũi với Phan Châu Trinh nên đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp bản Thư gửi Toàn quyền Đông Dương của Phan viết năm 1906, và đăng trên L’Annam nouveau, ngày 23-3-1933. Là người đã hai lần từ chối không nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do chính quyền thuộc địa ban tặng. Là kiện tướng của phong trào báo chí và là người cha của hai nhà Thơ mới: Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp. Và cuối cùng, là người ở tuổi 54 lâm vào cảnh phá sản, nghèo khổ, rồi bị sốt rét ác tính mà chết trong một cuộc đi tìm vàng trên đất Lào, nhưng lại được hưởng một đám ma to có rất đông các tầng lớp quần chúng đưa tiễn ở Hà Nội vào ngày 8-5-1936. Cuộc tang nhận được nhiều câu đối viếng và lời điếu, trong đó có của Phan Bội Châu, Trần Tuấn Khải, Doãn Kế Thiện, Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ…

Qua đời ở tuổi 54, sau ngót 30 năm hoạt động, Nguyễn Văn Vĩnh đã tích cực dấn thân vào một công cuộc thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực hoạt động với một ý chí tự học và tự lập rất cao, với một ước nguyện cũng rất cao về một sự nghiệp văn hóa do chính tay mình góp công tạo dựng. Ước nguyện ấy quả ông đã thực hiện được một phần trong tư cách người khởi xướng và vận động cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ; trong tư cách người hoạt động dịch thuật; và bao trùm và nổi bật, trong tư cách người chủ báo, chủ xuất bản. Và khi công cuộc cải cách của Nguyễn Văn Vĩnh đã tàn, khi  báo L’Annam nouveau của ông bị vỡ nợ thì, vào những năm 1930, lại tiếp tục sự xuất hiện một lớp ông chủ mới, trong đó nổi bật là nhóm Tân Dân với ông chủ Vũ Đình Long, và nhóm Tự lực văn đoàn với ông chủ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Sinh thời và rất lâu về sau, cũng giống như Trương Vĩnh Ký thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Vĩnh cũng chịu sức ép bởi hai luồng dư luận: Công và tội. Câu chuyện này còn cần được tiếp tục bàn luận trong sự kiểm kê thật đầy đủ các hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh ở nhiều tư cách; và trong sự nhìn nhận thật kỹ lưỡng bối cảnh lịch sử từ lúc kết thúc phong trào Đông Kinh nghĩa thục trong thập niên mở đầu thế kỷ XX đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời – năm 1930 – cái bối cảnh vừa thử thách rất nghiệt ngã hoạt động của con người; lại cũng vừa rất bao dung cho sự lựa chọn của con người.

    Giáo sư Phong Lê