Nguyên nhân giá dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng?

Huyền Văn
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 vào chiều qua 6/9 tại Hà Nội. Tại cuộc họp báo, vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là: Nguyên nhân lần đầu tiên giá bán lẻ dầu diesel, dầu hỏa cao hơn giá xăng; đây có phải thời điểm để bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; tình trạng một số nơi tại Hà Nội thu hộ khẩu giấy trong khi Bộ Công an chưa có chủ trương này; các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu sẽ thực hiện thế nào khi từ ngày 1/1/2023 toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng.

Tại kỳ điều hành xăng, dầu ngày 5/9, lần đầu tiên bán lẻ dầu diesel cao hơn giá xăng.

Giải thích về việc tăng giá này Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, do xung đột giữa Nga - Ukraine nên nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm. Để thay thế cho khí đốt, nhu cầu với dầu diesel và dầu hỏa tăng, dẫn đến giá dầu tăng cao. Cùng với đó, để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu vào mùa đông, người dân nhiều nước đang dần chuyển sang dùng dầu nên giá mặt hàng này tăng khá mạnh và cao hơn nhiều so với giá xăng. Hiện trên thế giới, bình quân giá xăng 105USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143USD/thùng. Tại các nước châu Âu thì hầu hết giá dầu cao hơn giá xăng.

nlntv-dau-tang-gia-1662510956.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Trong nước với cơ cấu giá xăng, dầu, các mức thuế, chi phí định mức rất khác nhau giữa hai loại xăng và dầu. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn dầu. Tuy nhiên, từ kỳ điều hành ngày 5/9, do giá dầu thế giới cao hơn rất nhiều so với giá xăng, dẫn đến giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên vượt giá xăng. "Chúng tôi rất chia sẻ đối với những trường hợp sử dụng nhiều dầu như ngành vận tải, ngư dân. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, đề xuất nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ các đối tượng này...", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Về việc đây có phải thời điểm để bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là công cụ để "giảm chấn" về biến động giá xăng, dầu trong nước trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tăng sốc hoặc giảm mạnh. Quỹ này không tính vào ngân sách và chỉ phục vụ điều hành giá xăng, dầu trong nước, nên quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm.

Việc thu hồi hàng loạt sổ hộ khẩu

Trả lời câu hỏi về tình trạng một số nơi tại Hà Nội thu hộ khẩu giấy trong khi Bộ Công an chưa có chủ trương này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, theo khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú 2020, từ 1/7/2021, Bộ Công an không cấp mới và không cấp lại sổ hộ khẩu. Những sổ đã được cấp sẽ còn giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho biết, Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt. Cơ quan chức năng chỉ thực hiện thu hồi khi công dân đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp. Việc thu hồi sổ hộ khẩu được thực hiện, đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của công dân trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, sau khi có phản ánh tình trạng thu hồi sổ hộ khẩu khiến người dân gặp khó khăn khi thực hiện một số thủ tục hành chính và giao dịch dân sự, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đã rà soát, chấn chỉnh các trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu không đúng, gây phiền hà cho người dân.

Đồng thời, ngày 22/8, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đề nghị triển khai một số nội dung của Luật Cư trú; trong đó có nội dung sử dụng thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu để thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu trong một số giao dịch dân sự, thủ tục hành chính... “Như vậy, người dân có thể dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử làm giấy tờ hợp pháp để xác nhận thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Huyền Anh(TH)