Người thầy lan tỏa những trái tim nhân ái đến cộng đồng

Huyền Văn
Hiện nay, có rất nhiều người thầy đa tài, đảm nhận nhiều vị trí trong xã hội - Không chỉ là người thầy trên giảng đường mà còn là “người thầy” trong các hoạt động cộng đồng. 

Thạc sỹ Trang Minh Hà, Giảng viên cao cấp chuyên ngành điều hành kinh doanh và chiến lược phát triển thị trường, Phó Giám đốc Qũy từ thiện Bông Hồng Nhỏ đã làm tròn trọng trách “một vai hai gánh”. Ông vừa là người thầy tràn đầy nhiệt huyết trên giảng đường, vừa là người hoạt động thiện nguyện sôi nổi trong công đồng. Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Thạc sỹ Trang Minh Hà chia sẻ về chuyện nghề với Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt.

nlntv-anh-thac-sy-trang-minh-ha-1700438754.jpg
Thạc sỹ Trang Minh Hà 

Phóng viên: Thạc sỹ Trang Minh Hà tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) Mỹ, chuyên ngành về điều hành kinh doanh và phát triển thị trường. Với kiến thức uyên thâm về kinh tế và trải nghiệm cuộc sống sâu sắc, ông có thể làm ở nhiều ngành nghề. Nhưng cơ duyên nào đưa ông đến với nghề giáo?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Nghề giáo với tôi là một nghề vinh quang. Là một người sống hướng nội tôi không nghĩ rằng mình sẽ sống và làm việc trong ngành cần nhiều Tâm và Trí như thế. Sau hơn một thập kỷ làm việc và công tác tại ngành hiếu khách để thử thách bản thân tôi mới quyết định chọn nghề truyền cảm hứng này, trước hết là để thay đổi bản thân, sau đó có thể chia sẻ tri thức, kỹ năng và thái độ sống đúng đắn đến với những người có duyên với mình.

Khi làm việc với các doanh nghiệp và chủ đầu tư trong các chuyên đề, chương trình học tập và phát triển tại doanh nghiệp tôi luôn nói rằng tôi chỉ là người kể chuyện, chia sẻ và lan tỏa những giá trị và lợi ích mà tôi tin rằng những điều này là đúng và đủ để giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển tốt. May mắn là những gì mình đã và đang lan tỏa phần nào mang đến sự thành công chung cho các thân chủ mà tôi có vinh dự được hợp tác và đồng hành trong suốt thời gian qua. Đó cũng là động lực, là niềm vui để tôi gắn bó với nghề “người kể chuyện”.

Phóng viên: Nhiều người than rằng “cái giá của nghề giáo thường nghèo”. Còn với một giảng viên cao cấp - chuyên đào tạo tại những đơn vị, tập đoàn lớn như ông thì sao?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Nghèo và giàu có nhiều thước đo khác nhau, tùy theo góc nhìn của mỗi người. Với tôi nghèo tiền bạc nhưng giàu trí thức sẽ giúp cho chúng ta có thể chuyển đổi những điều tưởng như là vô hình ấy trở thành những giá trị hữu hình và mang đến nhiều lợi ích vô hình. Theo tôi, giàu, nghèo bao hàm ở hai chữ “biết” và “đủ”. Nếu chúng ta “biết”- có kiến thức, hiểu biết để tạo đòn bẩy thì có thể chuyển từ nghèo thành giàu.

Ngoài ra, khi mình biết đủ thì mời là người giàu có. Ở đời không cần phải ngước lên nhìn người khác, càng đừng tự coi thường bản thân, thứ phù hợp với mình mới là tốt nhất. Biết đủ là người giàu, hậu đạo là người tốt, bình thản là cao nhân. Đây cũng là một thái độ sống vô cùng tích cực.

nlntv-anh-thac-sy-trang-minh-ha-biet-du-la-nguoi-giau-1700438748.jpg
Thạc sỹ Trang Minh Hà: Biết đủ là người giàu

Phóng viên: Thạc sỹ Trang Minh Hà có “sức hút” rất lớn đối với nhiều trường học và tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ bí quyết để tạo nên “sức hút” đó?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Có lẽ từ chính xác thay thế cho từ sức hút là quy luật hấp dẫn tự nhiên. Sự hấp dẫn ấy đến từ ba yếu tố:

Duyên: Khi ai đến với mình trong một hoàn cảnh nào đấy, ở một nơi nào đấy, tại một không gian và thời gian nào đấy đều là chữ duyên. Đủ duyên thì sẽ có thể thấu hiểu và cảm thông với những thách thức khó khăn của nhau, để chia sẻ những tâm tư, thử thách mà họ chưa tìm ra cách gỡ.

Nợ: Khi thân chủ là những học trò đến với tôi, tôi nợ họ những món nợ ân tình là sự cầu thị, tinh thần học tập, niềm tin và mơ ước thiện lành. Vì thế, tôi phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giải quyết và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho học trò.

Thiện: Để làm giàu, để có nhiều tiền người ta thường hay có xu hướng đi tắt đón đầu nhưng quên đi nền tảng của kinh doanh là đạo đức. Nó là gốc rễ, là cội nguồn để kiến tạo niềm tin giữa doanh nghiệp với khách hàng và những bên liên quan. Tôi tin rằng những người kinh doanh giỏi cần thực hành và tuân thủ đạo đức kinh doanh. Ví dụ một doanh nghiệp khi đầu tư tại một tỉnh/thành phố hay quốc gia nào đó thì đầu tiên họ cần tuân thủ pháp luật sở tại và tôn trọng văn hóa, tập quán của người dân ở đó. Kinh doanh có đạo đức sẽ giúp cho những người nhân viên và các cơ quan ban ngành tin tưởng cống hiến, đồng hành góp phần quan trọng trong sự thành công của một doanh nghiệp. Trong các bài giảng của tôi xuất phát từ mong muốn giúp học trò, doanh nghiệp được phát triển theo hướng bền vững và thiện lành.

Có lẽ 3 từ khóa chủ đạo này, tạo ra sự hấp dẫn đồng điệu và “hợp gu” để tôi có thể kết nối và lan tỏa trí thức, hỗ trợ và giúp các dân chủ học tập và thực hành để ngày một thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam họ cũng đặt nền tảng đạo đức là chuẩn mực đầu tiên để làm tiêu chuẩn cho sự phát triển bền vững.

Phóng viên: Ngành nghề nào cũng có giá trị. Ngoài kinh tế thì nghề giáo còn mang lại cho ông những giá trị nào?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: "Tình yêu thương" - đó là từ khóa mà tôi có được sau hành trình hơn một thập kỷ huấn luyện đào tạo và phát triển những cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Với sự phát triển của A.I – trí tuệ nhân tạo tôi tin rằng tình yêu thương sẽ là chất xúc tác gắn kết giữa con người với con người và với trí tuệ nhân tạo; Con người với doanh nghiệp, con người với quốc gia.

Phóng viên: Sự kết nối trong cộng đồng rất quan trọng, giúp lan tỏa những việc làm ý nghĩa. Ông đã làm điều này như thế nào khi là một trong những thành viên điều hành Qũy từ thiện Bông Hồng Nhỏ?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Giáo dục là nền tảng để mang đến những tri thức, kỹ năng và thái độ đúng. Ngoài ra, giáo dục và tình yêu thương cũng là công cụ, phương tiện để những người yếu thế vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh mà họ đã và đang đối mặt. Quỹ từ thiện Bông Hồng Nhỏ đã và đang hỗ trợ rất nhiều hoàn cảnh yếu thế, giúp họ có được nghị lực, niềm tin và tình yêu thương vào cuộc sống, lan tỏa nhiều giá trị tinh thần đến cộng đồng.

Quỹ từ thiện Bông Hồng Nhỏ cũng là nơi kết nối yêu thương giữa mạnh thường quân và những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, chúng tôi tập trung tổ chức các hoạt động trao quà đến những nơi khó khăn, vùng sau, vùng xa để giúp trẻ em có cơ hội đến trường học tập, nâng cao năng lực của bản thân để trở thành những người có ích cho xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững.

nlntvanh-thac-sy-trang-minh-ha-luon-tam-huyet-voi-cac-hoat-dong-thien-nguyen-1700438759.jpg
Thạc sỹ Trang Minh Hà luôn tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện

Phóng viên: Để làm tròn trọng trách “một vai hai gánh”, ông luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý cho việc giảng dạy và hoạt động thiện nguyên. Ngoài ra, sự ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè cũng rất quan trọng?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Tôi rất biết ơn và trân trọng những tấm lòng hảo tâm của những người bạn và các anh, chị, em đến từ nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Rất nhiều người luôn mở lòng và đồng hành cùng tôi trong hành trình hướng đến một xã hội nhân bản và văn minh.

Tôi tin rằng những giá trị mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau sẽ mang đến nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cho doanh nghiệp, cho xã hội. Đặc biệt là những người yếu thế đang cần một điểm tựa vững chắc để vượt qua những khó khăn và những điều bất như ý.

nlntv-anh-thac-sy-trang-minh-ha-trao-qua-cho-em-nho-1700438696.jpg
Thạc sỹ Trang Minh Hà trao quà cho em nhỏ

Phóng viên: Là người thầy luôn tâm huyết với hoạt động cộng đồng và thời gian tới, ông vẫn duy trì điều đó bằng những hoạt động cụ thể chứ?

Thạc sỹ Trang Minh Hà: Trong tháng 12, Qũy Bông Hồng Nhỏ sẽ triển khai chương trình nghệ thuật gây quỹ - chương trình quà tặng Giáng Sinh. Đây là năm thứ 3 Qũy Bông Hồng Nhỏ đồng hành cùng với Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng nhằm mang đến lời động viên thiết thực cho cộng đồng và những người yếu thế.

Số tiền quyên góp được sẽ được sử dụng và trao tặng đến những người cần hỗ trợ, giúp họ nâng cao chất lượng giáo dục thông qua học tập và phát triển tại các trường học. Chúng tôi quan niệm rằng: trao tặng "cần câu" là tri thức để người yếu thế có thể "tự câu" - là cơ hội nghề nghiệp, thay vì "cho cá".

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể cơ qua, đơn vị giáo dục cùng quý thầy cô đã không quản ngại những gian nan và thử thách, ngày đêm cần mẫn thầm lặng mang đến tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước.

Phóng viên: Cảm ơn ông với những chia sẻ vừa rồi. Chúc ông luôn mạnh khỏe và các kế hoạch sắp tới sẽ thành công./.

Mạnh Sáu