Thay vì trở về nhà sau giờ tan tầm để ăn bữa cơm gia đình, thói quen của ông Nguyễn Văn Tân, 40 tuổi, sống ở Hà Nội là ra thẳng quán nhậu ở Ngã Tư Sở (Hà Nội), nơi luôn chật kín bàn, ồn ào tiếng cười nói, “hò dô” của các tín đồ rượu, bia. Hôm nay là dịp liên hoan cuối năm nên ông Tân và một số đồng nghiệp lại càng uống nhiều rượu hơn: “Bình thường anh, em, đồng nghiệp cơ quan cũng rủ nhau ra ngoài quán uống bia, rượu. Nói chung đàn ông thì ai cũng như vậy cả thôi, chuyện bình thường của mỗi người dân mà. Đã uống rượu thì không ai uống 1 chén, 2 chén cả mà đã uống là phải say” - ông Tân chia sẻ.
Nếu như miếng trầu là đầu câu chuyện thì chén rượu là đầu cuộc vui. Từ thời xưa, rượu là để đàm đạo, hội ngộ người tri kỷ và không mượn rượu một cách tùy tiện thì ngày nay, mọi người có đủ lý do để uống rượu như: gặp đối tác, giải tỏa tâm trạng, thi uống rượu, bia. Cũng có nhiều người uống rượu để thể hiện bản thân, ép người khác uống để thể hiện quyền lực và muôn vàn lý do khác. Ngay cả thời tiết chuyển lạnh cũng là một cái cớ để uống rượu.
Tại một số tỉnh/thành miền núi phía Bắc, nhiệt độ đang xuống thấp, rét đậm. Trong thời điểm này, anh Hoàng Đức Tuấn, 26 tuổi, sống ở Tuyên Quang thường tụ tập bạn bè để uống rượu. Anh Tuấn chia sẻ: “Thời tiết ở trên này cũng rất lạnh nên uống rượu vào cơ thể cũng ấm hơn. Khi “nhậu”, cùng cụng ly cũng cho mình cảm giác thoải mái, giảm stress và tạo nên không khí vui tươi. Tất nhiên, đã uống đến mức say thì mệt lắm, có khi vài ngày sau sức khỏe mới hồi phục được. Cũng có nhiều người bị tai nạn do lái xe trong lúc say xỉn. Biết vậy, nhưng đã vào cuộc “nhậu” thì không thể thiếu rượu”.
Những người uống rượu thường mượn ý của người xưa “nam vô tửu như kỳ vô phong” để biện hộ rằng, đàn ông mà không có chén rượu thì chẳng thể nào “thăng hoa” được. Thế nhưng “thăng hoa” đâu chưa thấy mà tai nạn, ngộ độc do “quá chén” lại quá nhiều. Bộ Y tế cảnh báo, rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Có tới 40.000 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến những đồ uống này. Bên cạnh đó, rượu, bia cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở nước ta.
Ngoài ra, Việt Nam có tới 32% số vụ tai nạn giao thông ở nam giới và 20% số vụ tai nạn giao thông ở nữ giới có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, 34% số ca tử vong do tai nạn giao thông đều có nồng độ cồn trong máu. Chính vì vậy, trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã và đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Điều tra, Giải quyết tai nạn, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Long An cho rằng: “Trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, liên hoan của người dân tăng cao nên lực lượng CSGT tỉnh Long An nói riêng, cả nước nói chung càng đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng đổ cồn, qua đó tuyên truyền người dân tuân thủ nghiêm luật giao thông. Hiện nay, ở Việt Nam tôi thấy có 2 thứ, đó là tác hại của rượu và thuốc lá cần tăng cường phòng chống”.
Các vụ ngộ độc, tại nạn,... do rượu, bia liên tiếp xảy ra, nhất là trong dịp cuối năm khi nhu cầu gặp gỡ bạn bè để liên hoan gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do thói quen uống rượu "vô tội vạ" của nhiều người dân./.