Chiều 18/10, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì với các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, các hãng hàng không liên quan tại Nghệ An tổ chức Hội nghị họp bàn khảo sát nhu cầu mở đường bay quốc tế Vinh - Trung Quốc.
Theo Ban Tổ chức, ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 lượt khách từ Trung Quốc đến Nghệ An, trên 1.000 lượt từ Nghệ An đến Trung Quốc.
Dự báo trong quý 4 và trong năm 2024 số lao động Trung Quốc làm việc trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng đường bay từ Vinh đi và đến Trung Quốc trên 1.560 người (Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision; Công ty TNHH Goertekvina; Công ty TNHH Runergy; Công ty TNHH Luxshare-ICT; Công ty TNH Innovation Precision, các doanh nghiệp từ tỉnh Hà Tĩnh).
Về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 900 cơ sơ lưu trú (3 khách sạn 5 sao, 11 loại 4 sao, gần 25 khách sạn 3 sao..) tương ứng 38.900 giường; tổng số lao động trong ngành du lịch 9.000 người, hơn 70 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành...
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đến từ các sở, ngành, cảng hàng không quốc tế Vinh, Cảng vụ hàng không miền Bắc chi nhánh Vinh, các doanh nghiệp Nghệ An, doanh nghiệp Trung Quốc, đại diện các hãng hàng không tại Nghệ An đều tản thành, ủng hộ, thiết lập và đề xuất các giải pháp và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sớm mở đường bay kết nối Trung Quốc. Một số đại biểu đề xuất dự kiến kết nối đường bay từ Nghệ An (Việt Nam) đến Thâm Quyến (Trung Quốc) từ đó lan tỏa đến các khu vực trung tâm khác của tỉnh, thành phố Trung Quốc.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo ông, lâu nay người dân và du khách muốn đến Trung Quốc hầu hết đều sử dụng phương tiện đường bộ từ Nghệ An đến các cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai và sử dụng đường hàng không từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Lãnh đạo Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cho rằng, việc mở đường bay cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, các đơn vị, các doanh nghiệp liên quan và các tỉnh phụ cận cũng như sự điều phối tần suất chuyến bay, người bay để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu đi lại. Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì kết nối và tiếp tục khảo sát và sớm báo cáo UBND tỉnh quyết định.