Ngành logistics yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, ngành logistics đang có yêu cầu cao cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
nlntv-valoma-1679355906.jpeg
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA cho rằng, những thay đổi rất nhanh của thực tiễn hoạt động doanh nghiệp đòi hỏi công tác phát triển nhân lực logistics cần nỗ lực, đổi mới hơn.

Chia sẻ tại Chương trình Gặp mặt mùa xuân 2023 theo hình thức trực tiếp tại hai đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kết hợp với trực tuyến trên nền tảng Zoom, TS. Mai Xuân Thiệu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, ngành logistics đang phát triển mạnh mẽ và đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng gắn chặt với nền kinh tế nói chung, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và đầu tư - hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngành logistis phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực logistics rất cao, kể cả về số lượng lẫn chất lượng. 

“Nhận thức rõ điều đó, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam luôn luôn quan tâm và hợp tác với tất cả hội viên, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo ngành logistics dưới mọi hình thức để phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam”, ông Mai Xuân Thiệu khẳng định. 

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA chia sẻ, trong bối cảnh mới có nhiều biến đổi hiện nay khi dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh đã gây ra những tác động nhiều mặt đến chuỗi cung ứng toàn cầu, sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực, các ngành dẫn tới không chỉ là sự kết nối chuỗi cung ứng mà dần hình thành khái niệm và vai trò của mạng cung ứng với hàm ý nhiều chuỗi cung ứng liên kết với nhau.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, nghiên cứu, học tập về logistics cũng chịu nhiều tác động của quá trình chuyển đổi số, của những thay đổi rất nhanh trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu đối với sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo để không chỉ nắm bắt, truyền tải được những vấn đề cơ bản, nền tảng về logistics mà còn phải giúp sinh viên tiếp cận đến thực tế sinh động bên ngoài giảng đường.         

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển Hiệp hội trong thời gian tới, đó là quan tâm nhiều hơn tới việc củng cố, kiện toàn bộ máy của Hiệp hội, thu hút được những hội viên nhiệt tình, có năng lực, có thời gian để tham gia, đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong bộ máy Lãnh đạo và các Ban chuyên môn của Hiệp hội; tạo niềm tin và động lực để hội viên cống hiến cho Hiệp hội, cho sự nghiệp phát triển nhân lực logistics.

Cùng với đó, tiếp tục tạo ra những hoạt động gắn kết hội viên, thúc đẩy liên kết hội viên dưới nhiều hình thức như giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp và đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Theo ông Hải, bản thân các hội viên cũng cần phát huy hơn nữa tính chủ động của mình, đề xuất các sáng kiến, góp ý với hoạt động của Hiệp hội; tham gia vào hoạt động trong các ban chuyên môn của Hiệp hội, qua đó mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao kiến thức và giúp cho các ban chuyên môn của Hiệp hội hoạt động hiệu quả, đa dạng hơn.

Ông Hải đề xuất, dành sự quan tâm cho các em sinh viên, đặc biệt là Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam, tin tưởng giao cho các em một phần công việc của Hiệp hội, mặt khác khuyến khích, hỗ trợ các em có những hoạt động riêng của mình, phù hợp với tinh thần tuổi trẻ.

Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch đã trình bày phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới trên nhiều khía cạnh như phát triển và kết nối hội viên, tìm nguồn lực tài chính.

Đồng thời, tiếp tục công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát hoạt động Hiệp hội; tăng cường công tác nghiên cứu, đối ngoại như: tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam CLSCM 2023, Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam VYLT 2023, xây dựng Báo cáo Đào tạo Logistics 2023; kết nối, tìm kiếm cơ hội tham gia các nghiên cứu trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; thiết lập quan hệ với một số tổ chức đào tạo logistics của nước ngoài, đàm phán để các tổ chức đào tạo này hợp tác, chuyển giao các module đào tạo, cho phép cấp chứng chỉ tại Việt Nam…

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 568/QĐ-BNV ngày 30/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (thay thế cho Hiệp hội Đào tạo Logistics Việt Nam), viết tắt là VALOMA (Viet Nam Association for Logistics Manpower Development). Đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được nêu tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiệp hội VALOMA là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có mong muốn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhân lực logistics.  

VALOMA đã từng bước xây dựng mạng lưới hội viên trên toàn quốc và các hoạt động mang lại giá trị và tạo ra sự kết nối cho các hội viên của Hiệp hội. Đến hết năm 2022, Hiệp hội đã có 351 hội viên bao gồm các tổ chức doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các hội viên cá nhân hoạt động trong lĩnh vực logistics, quản lý chuỗi cung ứng và hoạt động liên quan.