Ngân hàng Nhà nước ngừng thi hành một số quy định ‘thắt chặt’ của Thông tư 06

Đinh Thảo
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 24/8, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
nhnn-anh-1692844975.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN sửa đổi một số quy định nhanh chóng nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Trước đó nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư số 06 đã có một số quy định cho vay bị “thắt chặt” hơn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó quy định tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; trong đó, có Luật Kinh doanh bất động sản...

Theo các doanh nghiệp bất động sản, có 2 nội dung bất cập nổi bật trong Thông tư 06 được chỉ ra đó là tăng thêm các trường hợp không được vay vốn và chưa rõ ràng về điều kiện vay. Điều này sẽ tiếp tục gây ách tắc, ảnh hưởng tới nguồn cung và khả năng mua nhà của người dân. Trong khi đó thời gian qua, Chính phủ đang muốn phát triển ổn định thị trường mà áp dụng quy định này thì chính là "siết" lại các doanh nghiệp. Hiện nay, pháp lý các dự án đã tắc, đến khâu cho vay, ngân hàng lại dùng pháp lý để ép một lần nữa khiến doanh nghiệp bị "siết" đến 2 lần.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng không có bất cứ quy định cấm TCTD cho vay để thực hiện dự án bất động sản.

“Tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN không cấm cho vay thực hiện dự án bất động sản, NHNN chỉ quy định TCTD không được cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; trong đó, có Luật Kinh doanh bất động sản...”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Phía NHNN lý giải thêm, các quy định bổ sung tại Thông 06 là trên cơ sở kiến nghị của thanh tra với mục đích nâng cao hiệu quả và an toàn của hệ thống TCTD; hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, tập trung vốn cho vay đối với các dự án trong cùng hệ sinh thái, che giấu tình trạng đảo nợ, qua đó góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Đồng thời, góp phần hỗ trợ chủ đầu tư dự án bất động sản tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; tạo cơ sở cho thị trường bất động sản an toàn, bền vững, bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân mua bất động sản, nhà ở.