Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào

Võ Việt
Ngày 31/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Tạp chí Mekong ASEAN tổ chức Chương trình giao lưu - trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”.

Chương trình là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022). Thông qua chương trình nhằm tạo không gian trao đổi, chia sẻ cởi mở; đồng thời, phân tích những cơ hội hợp tác trong phát triển kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước. Từ đó, đưa ra được những giải pháp giúp nâng tầm quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư xứng tầm với quan hệ bền vững Việt Nam - Lào.

viet-lao-1-1662048307.jpg
Toàn cảnh chương trình giao lưu - trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”.

Xuyên suốt chương trình, các đại biểu đã được nghe các báo cáo, tham luận thể hiện ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam - Lào là láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Hai nước có mối quan hệ truyền thống và thủy chung. Trong 60 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng và hai nước. Mối quan hệ bền chặt giữa hai Đảng và hai nước luôn phát triển sâu rộng và hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, qua đó giúp củng cố vị thế của Việt Nam và Lào trong khu vực và thế giới và đóng góp cho việc củng cố hòa bình, ổn định và phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Phát biểu khai mạc chương trình, đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - đánh giá: “Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, thương mại - đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Về đầu tư, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu tại Lào trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng hàng năm. Cụ thể năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,32% so với năm 2020 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây”.

Tại chương trình, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương đã đưa ra những nhận định về hiện trạng về thương mại giữa Việt Nam - Lào. Qua đó khẳng định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN. Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng trong các năm qua.

Từ năm 2016 tới năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020 bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Nối tiếp đà tăng trưởng, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt xấp xỉ 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng này, quy mô thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới.

viet-lao-2-1662048308.jpg
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương phát biểu tại chương trình.

Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước đã có sự chuyển dịch theo hướng ổn định, bền vững. Nếu như trước đây, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là mặt hàng khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản thì hiện nay, cơ cấu hàng hóa đã bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp. Cụ thể, mặt hàng chế biến, chế tạo chiếm 37%; vật liệu xây dựng chiếm 21,7%; nhiên liệu khoáng sản chiếm 10,9%; nông thủy sản chiếm 7,15%.

Trong các năm qua, Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đối tác phía Lào, đàm phán, ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Trong quá trình đàm phán, hai bên luôn đặt mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể kinh tế thực hiện hoạt động thương mại. Hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015) nhằm tạo điều kiện cho toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam và Lào được hưởng mức thuế suất ưu đãi đối với một loạt các mặt hàng (50% thuế suất ATIGA).

Về thuế quan, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 50% ATIGA đối với 27 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Lào gồm động vật sống, thịt lợn tươi ướp lạnh, thịt và phụ phẩm. Phía Lào được hưởng thuế suất ưu đãi 50% ATIGA đối với 17 mặt hàng khi nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm trứng chim và gia cầm, lúa gạo, đường mía. Về ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch, phía Lào được hưởng ưu đãi thuế 0% đối với 13 mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu thuốc lá trong hạn ngạch 3.000 tấn; 0% đối với 03 mặt hàng gạo trong hạn ngạch 70.000 tấn khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Hưng cũng nêu rõ những thông tin về việc hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước, thể hiện sự phát triển tích cực khi vực bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới thường xuyên được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

Đến thời điểm hiện tại, hai nước đã có hơn 30 cặp cửa khẩu (bao gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ). Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ hiện nay chiếm tỷ trọng từ 70% đến 80% tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách trung ương và địa phương các tỉnh biên giới.

“Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, các nước tạm ngưng các chuyến bay quốc tế, Bộ Công thương Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương Lào xây dựng và liên tục cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Lào. Nhờ có vậy, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, kim ngạch thương mại hai nước không chỉ không bị gián đoạn, mà còn tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020.

Từ năm 2016, Chính phủ hai nước đã ký Thỏa thuận tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán điện giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam cam kết mua điện từ Lào đến 1.000 MW vào năm 2020, 3.000 MW vào năm 2025 và 5.000 MW vào năm 2030. Đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện nhập khẩu điện từ Lào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện là 2.689 MW...

viet-lao-3-1662048308.jpg
Bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam - chia sẻ tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam - cho biết: “Trong suốt 10 năm qua, đối tác thương mại chính của Lào vẫn không thay đổi, thứ tự đầu tiên là Thái Lan, tiếp đó là Trung Quốc và thứ 3 là Việt Nam. Đối với hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao cấp nhà nước đến cấp Bộ, ngành. Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát tiển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh trong giai đoạn hòa nhập.

Trong giữa tháng 4 năm nay, hai Bộ Công thương Lào - Việt Nam đã hoàn thành tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Viêng Chăn. Kết quả hội nghị là hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam. Hai bên đã cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi các Hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và Quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.

Đồng thời, cùng nhau nghiên cứu biện pháp tháo gỡ những điểm khó khăn trong việc triển khai thực hiện hiệp định thương mại biên giới; tăng cường khâu kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi ngân sách tổ chức diễn đàn, hội nghị, triển lãm, hội chợ hàng hóa biên giới; tiếp tục phối hợp để ngăn chặn buôn bán nhập lậu hàng hóa trái phép tại khu vực biên giới Lào - Việt Nam.

Ngoài ra, hai nước Lào - Việt Nam đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Viêt Nam có sự tăng trưởng khá. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch hàng hóa giữa Lào - Việt Nam tăng trưởng khá, đạt hơn 948 triệu USD, tăng 54,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Lào xuất khẩu đạt hơn 585 triệu USD, tăng 48,13% và nhập khẩu hơn 362 triệu USD, giảm 1,63%”.

Theo bà Sonechan Phoutthavong, dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 9 (2021-2025) và triển khai thực hiện bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ Lào - Việt Nam về việc hợp tác về giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 chủ yếu là tập trung nghiên cứu nâng cấp tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và kết nối các dự án phát triển giao thông vận tải trên các nước ASEAN và GMS như: Dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, dự án đường sắt Tha khek - Vũng Áng và dự án hợp tác phát triển cảng 1,2,3 Vũng Áng sẽ tạo điều kiện cho toàn hệ thống vận chuyển trong và ngoài nước, kể cả quá cảnh, có xu hướng tăng trưởng tối hơn và đồng thời cũng làm giảm chi phí vận chuyển trong thời gian tới.

Để tận dụng cơ hội, tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng này, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của Lào. Thay mặt Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, bà Sonechan Phoutthavong kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào.

viet-lao-4-1662048308.jpg
Các đại biểu giao lưu tại chương trình

“Đất nước Lào chúng tôi có lợi thế đất đai rộng lớn, nguồn điện dồi dào, có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ vào lĩnh vực này. Chúng tôi có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước như: EU, Trung Quốc với nhiều ưu đãi do Chính phủ Trung Quốc dành cho Lào đối với mặt hàng nông nghiệp, lợi thế vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, rẻ hơn sau khi có đường sắt Lào - Trung. Vì vậy, tôi hy vọng Việt Nam, đất nước hiện đứng thứ 3 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, sẽ quan tâm hơn nữa, sẽ có nhiều nhà đầu tư Việt Nam vào Lào trong thời gian tới”, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam - bà Sonechan Phoutthavong chia sẻ.

Khép lại chương trình, Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhận định chương trình giao lưu - trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào” đã thành công tốt đẹp với sự chia sẻ nhiều thông tin của các diễn giả tham gia. Đây thật sự là một cơ hội tốt cho các bên liên quan giữa hai nước Việt Nam - Lào để các bên cùng lắng nghe, phân tích các khả năng, từ đó thúc đẩy sự phát triển, đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Nguyễn Liên