Nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Bài 1: Nhiều thách thức

Huyền Văn
Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, du lịch Việt Nam phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng với nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, cùng với phát triển sản phẩm, chính sách thu hút du khách, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề được quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch đang có những thay đổi như cá nhân hóa, tối ưu hóa, gắn liền với công nghệ... Nội dung này được phóng viên TTXVN phản ánh trong hai bài viết “Nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch”.

Bài 1: Nhiều thách thức

Du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu, vị trí trên bản đồ du lịch thế giới. Kết quả này thể hiện sự nổi bật, tính đặc sắc trong tài nguyên du lịch, sản phẩm, dịch vụ cung ứng tới du khách. Trong đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp, bởi họ là nhân tố quan trọng, tác động lập tức tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tác động chất lượng dịch vụ

nlntv-dao-010424-1711956113.jpg
Quản lý nhà hàng hướng dẫn nhân viên cách phục vụ bàn ăn. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Là người có nhiều chuyến đi tới các điểm du lịch trong nước, du khách Đỗ Thị Huyền (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, đến mỗi điểm nghỉ dưỡng hay tham quan, chị luôn quan tâm tới thái độ, tinh thần phục vụ, sự “thạo việc” của các nhân viên, thể hiện từ đón chào đến tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của du khách. Ở nhiều nơi, bên cạnh phong cảnh, địa điểm nghỉ dưỡng ưng ý, các nhân viên rất nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn các trải nghiệm hay tư vấn cho du khách chọn mua sắm những đặc sản phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có điểm đến, khi du khách đông, đội ngũ nhân viên tỏ ra lúng túng, phục vụ không nhanh, thiếu chu đáo, khiến thiện cảm của du khách với điểm đến giảm hẳn. Với những điểm đến như vậy, chắc chắn chị sẽ không chọn trở lại lần sau.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và bản thân doanh nghiệp du lịch dịch vụ đều chung nhận định, để phát triển du lịch, nguồn nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến cả số lượng và chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp.

Tiến sĩ Phạm Lê Thảo, Thạc sĩ Trần Thanh Xuân (Phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cùng chung quan điểm, nhân lực trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành thuộc nhóm lao động trực tiếp đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, quyết định lớn đến cảm nhận ban đầu, trải nghiệm và ấn tượng của du khách đối với sản phẩm du lịch trong suốt cả hành trình.

Với lĩnh vực lưu trú, theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình (Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), trình độ nhân viên chưa đồng đều, hạn chế về ngoại ngữ sẽ khiến chất lượng phục vụ không đảm bảo tiêu chuẩn, còn có sự khác biệt giữa vùng núi và đô thị. Bên cạnh đó, yếu tố thời vụ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị do thời gian thấp điểm, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân viên không ổn định. Nhiều nơi lại không dám tuyển đủ nhân lực vì quá chênh lệch về công suất hoạt động giữa lúc cao điểm và thấp điểm.

Bày tỏ băn khoăn về chất lượng nhân lực, đại diện Ban quản lý một khu du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện rất khó để tuyển được đầy đủ người lao động theo đúng mong muốn. Chẳng hạn, tuyển được một đầu bếp giỏi, chế biến nhiều món ăn truyền thống thì có nhiều, nhưng để hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn, khó tuyển được đầu bếp có thêm cả kiến thức về văn hóa, biết ngoại ngữ để có thể trực tiếp thuyết minh, kể những câu chuyện liên quan tới nguồn gốc nguyên liệu, giá trị kết tinh yếu tố văn hóa thể hiện qua đặc sản ẩm thực tới du khách.

Thiếu lao động chất lượng cao

Việt Nam được UNWTO (Tổ chức Du lịch Thế giới) đánh giá là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, mỗi năm toàn ngành cần khoảng 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Liên quan định hướng, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, ngành Du lịch đặt ra các mục tiêu phục hồi và phát triển đến năm 2025, du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu, đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, tạo ra khoảng 5,5 triệu việc làm. Đến năm 2030, ngành đặt mục tiêu du lịch là kinh tế mũi nhọn, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; cả nước đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, tạo ra trên 10 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,3 triệu việc làm trực tiếp.

Nhu cầu lao động đáp ứng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là rất lớn. Song thực tế, nhân lực của ngành vẫn thiếu trầm trọng. Tại Hội nghị toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” diễn ra giữa tháng 11/2023, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam nêu thực trạng, đến nay, ngành Du lịch mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động. Nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang các ngành khác và không quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách du lịch.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), lực lượng lao động trực tiếp trong các cơ sở lưu trú du lịch ở nước ta hiện nay chỉ hơn 300.000 người, giảm mạnh so với thời điểm năm 2019 (trước COVID -19). Những dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đặc biệt thiếu nhân lực. Ngoài ra, cơ cấu nhân lực du lịch chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao, mất cân đối theo vùng, miền, khiến nhiều khu vực tăng trưởng “nóng” về lượng khách nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Từ góc nhìn của một trong những địa phương trọng điểm về phát triển du lịch, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với lượng du khách trong và ngoài nước khoảng trên 40 triệu lượt mỗi năm, lĩnh vực du lịch ở Thành phố luôn cần lượng lao động lớn. Ghi nhận của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ luôn chiếm tỉ lệ lớn nhu cầu lao động của toàn Thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: chỉ riêng với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Thành phố hiện có khoảng trên 7.300 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa đã được cấp thẻ. Tuy nhiên, Thành phố vẫn rất thiếu các hướng dẫn viên du lịch quốc tế sử dụng các ngoại ngữ như Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Đức… Để khắc phục tình trạng thiếu hụt này, không thể trong “ngày một, ngày hai”.

Bài cuối: Tránh lãng phí trong đào tạo