Nâng cao chất lượng nhân lực là yếu tố sống còn của mỗi cơ sở y tế

Huyền Văn
Theo chiến lược phát triển của Bộ Y tế, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, hạn chế việc người dân phải chuyển tuyến để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Thực tế, rất nhiều cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã nâng cao trình độ nhân lực, áp dụng thành công các phương pháp điều trị bệnh tiên tiến để có thể linh hoạt trọng mọi tình huống khẩn cấp.
nlntv-anh-benh-vien-ap-dung-ky-thuat-noi-soi-nguon-anh-tu-bao-quang-binh-1667548478.jpg
Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới (Ảnh: congtudong.com)

B.S Đỗ Minh Huệ, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới đã có trao đổi với PV Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt xoay quanh vấn đề này

PV: Bác sỹ Đỗ Minh Huệ là một trong những người quản lý quan trọng tại Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới. Vậy, ông đã định hướng việc đào tạo, nâng cao nhân lực y tế trong bệnh viện như thế nào?

B.S Đỗ Minh Huệ: Sau khi tôi học xong đại học đã được Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới hỗ trợ kinh phí làm luận văn tốt nghiệp. Từ thời của tôi bệnh viện đã quan tâm đến việc hỗ trợ nhân viên y tế. Đây cũng là động lực cho mỗi bác sỹ, nhân viên y tế cố gắng phấn đấu trong lúc học nghề và làm nghề.

Có thể nói việc nâng cao chất lượng nhân lực y tế là yếu tố sống còn của mỗi bệnh viện nói riêng và cả hệ thống y tế nói chung. Trong suốt 16 năm qua, Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới đã mở các lớp đào tạo để nâng cấp chất lượng nhân lực y tế của bệnh viện. Đơn vị thường xuyên cử nhiều nhân viên lên Sở Y tế tham gia các khóa đào tạo nâng cao ở mọi chuyên khoa. Cụ thể, hàng năm, chúng tôi đã hỗ trợ 10 bác sỹ đi đào tạo sau đại học. Hiện tại thì tôi cũng đang hướng dẫn một số bác sỹ đi đào tạo chuyên khoa 2. Mình là lãnh đạo thì cần phải có kế hoạch, hàng năm bệnh viện vẫn gửi công văn lên tuyến trên nhờ các bộ phận chuyên môn đến hỗ trợ nhân viên bệnh viện bằng hình thức "cầm tay chỉ việc ". Nhờ có những hoạt động đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đấy mà bệnh viện từ một phòng khám trực thuộc trung tâm y tế nay đã trở thành một bệnh viện hạng 2. Rõ ràng đó cũng là một sự phát triển đột phá của bệnh viện.

PV: Được biết, ngoài những chương trình đào tạo định kỳ của ngành y tế, bệnh viện, Bác sỹ Đỗ Minh Huệ cũng đã tự tổ chức những buổi gặp mặt cấp dưới để trao đổi về nghiệp vụ. "Người đi trước dìu bước thế hệ sau" là truyền thống tốt đẹp đang được phát huy tại bệnh viện?

B.S Đỗ Minh Huệ: Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực điều trị và hạn chế di chuyển của bệnh nhân ở các tuyến nhằm tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Đối với các thầy thuốc ở bệnh viện nói riêng và cơ sở y tế nói chung đều có truyền thống "lớp trước dìu dắt lớp sau" để hoàn thành mục tiêu chung. Bản thân tôi khi đã được Sở Y tế, bệnh viện tạo điều kiện học tập và nâng cao trình độ thì phải có trách nhiệm chia sẻ lại với thế hệ trẻ. Chúng tôi có nhiều cách để truyền thụ kinh nghiệm trong quá trình làm việc hoặc tự tổ chức các buổi hướng dẫn, thực hành cụ thể. Từ đó tay nghề của các bác sỹ trẻ sẽ càng được nâng lên thì bệnh viện sẽ càng phát triển hơn.

nlntv-benh-vien-da-khoa-thanh-pho-dong-hoi-nguon-anh-tu-congtudongcom-1667549677.jpg
Bệnh viện ứng dụng phẫu thuật nội soi (Ảnh: báo Quảng Bình)

PV: Ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới đã ứng dụng rất nhiều phương pháp tiên tiến, trong có phẫu thuật nội soi (phẫu thuật xâm lấn tối thiểu). Với cương vị là người quản lý và cũng là người thầy trực tiếp hướng dẫn học trò, ông thấy việc này có vai trò như thế nào?

B.S Đỗ Minh Huệ: Ngoài việc quan tâm đào tạo về nhân lực thì bản thân tôi chú trọng rất nhiều về trang thiết bị. Mình có yếu tố con người rồi thì mình cũng cần có trang thiết bị để có thể ứng dụng vào nữa. Hai cái này phải hài hòa và cùng phát triển. Bằng những nỗ lực đó thì chúng tôi đã triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật vào các dịch vụ thăm khám và điều trị của bệnh viện. Những dịch vụ trước đây người bệnh phải đi vào Huế, phải đi ra Hà Nội thì mới được sử dụng thì nay bệnh viện đã áp dụng thành công những dịch vụ này. Ví dụ như trước đây, bệnh viện chỉ có phẫu thuật mở nhưng trong vài năm trở lại đây thì phẫu thuật nội soi và những kỹ thuật tiên tiến, ít xâm nhập như tán sỏi nội soi ngược dòng,... đã được áp dụng rất nhiều.

PV: Đặc biệt, dịch COVID-19 đã là phép thử cho thấy sự trưởng thành của bệnh viện. Tôi được biết, ngoài đáp ứng công tác điều trị nội viện, đơn vị cũng đã thành lập đội hỗ trợ các tuyến y tế tiêm chủng, điều trị COVID-19. Hiện nay, đội này hoạt động như thế nào?

B.S Đỗ Minh Huệ: Bệnh viện Đa khoa Thành phố Đồng Hới cũng là đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong việc góp phần bao phủ vaccine phòng chống COVID-19. Làm tốt công tác phòng chống dịch là do trước đó mình đã bố trí nhân lực và xây dựng nền móng tốt để kịp thời ứng phó. Từ ngày 27/04/2021 cho đến nay, chúng tôi đã cử một tổ hơn 20 cán bộ, nhân viên thường xuyên đi làm công tác tiêm chủng vaccine theo chỉ đạo của Sở Y tế và của Thành phố. Bản thân tôi cũng trực tiếp điều hành tổ 20 người đi làm nhiệm vụ liên tục gần 2 năm nay.

Không chỉ COVID - 19 mà hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết, cúm mùa, bệnh về hô hấp,... cũng bùng phát khiến lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Chúng tôi cũng đã phải bố trí nhân lực hợp lý ở các khoa, phòng, trong đó những nơi điều trị bệnh truyền nhiễm được huy động nhiều lực lượng hơn. Điều đáng mừng là có rất nhiều bác sỹ, nhân viên y tế có trình độ ở nhiều chuyên khoa nên vẫn đảm bảo được chất lượng khám, chữa bệnh. Có được điều đó là nhờ một quá trình dài đào tạo, hỗ trợ để thu hút nhân lực y tế. Tôi xin nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện thường xuyên.

PV: Vậy theo ông, trong thời gian tới, Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới nói riêng và cơ sở y tế nói chung cần tiếp tục đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng y tế như thế nào?

B.S Đỗ Minh Huệ: Bản thân tôi cho rằng, tập huấn, đào tạo nhân lực theo chương trình, chính sách của Bộ Y tế, Sở Y tế và mỗi đơn vị vẫn cần được đẩy mạnh. Nhưng để thu hút nhân viên y tế cũng như nâng cao chất lượng bác sỹ, điều dưỡng,... thì cần đào tạo một cách sâu rộng hơn. Để làm được điều đó thì phải quan tâm đến hai yêu tố:

Thứ nhất là cơ chế tài chính. Đây là yếu tố thực tế và cần thiết để làm bất cứ điều gì. Bộ Y tế, Sở Y tế có chính sách hỗ trợ kinh phí nhưng mỗi đơn vị cũng cần dự trù một khoản tài chính riêng để bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho đơn vị mình.

Thứ hai là môi trường làm việc, bao gồm mối quan hệ đồng nghiệp và điều kiện để phát triển tay nghề. Khi chúng ta làm việc trong môi trường công bằng, tình cảm gắn bó thì sẽ có động lực để phát triển. Ngoài ra, khi chúng ta có tay nghề giỏi thì điều kiện để ứng dụng phải có. Có nghĩa là máy móc, kỹ thuật hiện đại phải được trang bị để bác sỹ, nhân viên y tế phát huy trình độ và tiếp tục bồi dưỡng tay nghề chuyên môn. Tôi hi vọng, hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở sẽ luôn có nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề cao. Có như vậy ngành y tế mới phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn B.S Đỗ Minh Huệ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Mạnh Sáu