Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực KHCN ngành cơ khí tại Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Ngày 30/9, Hội cơ khí thành phố Đà Nẵng đã tổ chức “Hội thảo Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển sản xuất hợp chuẩn (xanh, hiện đại, minh bạch) để tăng cơ hội liên kết hội nhập quốc tế".

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, ngành Cơ khí đóng vai trò quan trọng như là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền sản xuất Cơ khí hiện đại, đặc biệt là các tiêu chuẩn hợp chuẩn quốc tế, việc đào tạo nguồn nhân lực Khoa học công nghệ (KHCN) có chất lượng tại các trường Đại học là yếu tố then chốt. 

z5885215281620-1cefd54b7a7583c5f2aef33568f93507-1727761357.jpg
GVC.TS. Hồ Trần Anh Ngọc trình bày về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong ngành Cơ khí 

Tại hội thảo, GVC.TS. Hồ Trần Anh Ngọc – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cho biết: "Việc đào tạo nhân lực KHCN chất lượng cao là yếu tố then chốt để ngành Cơ khí Việt Nam có thể vươn tầm quốc tế. Chương trình đào tạo cần tích hợp lý thuyết và thực hành, đồng thời cập nhật các công nghệ mới như phần mềm mô phỏng, thực tế ảo và các nền tảng học trực tuyến. Điều này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các quy trình công nghệ mà còn nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu và phát triển kĩ năng mềm".

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đề xuất một số giải pháp như cải tiến chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế (ABET, AUN-QA), tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong ngành cơ khí, đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại và phát triển đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tế. Các doanh nghiệp sẽ tham gia xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên và hỗ trợ trong việc trang bị công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó nhà trường cũng sẽ cập nhật thường xuyên các môn học để theo kịp sự phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực mới như tự động hóa, công nghệ 3D, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới.

z5885218467068-07ac8b52386fb16c4ff57abf2a77c57e-1727761431.jpg
Toàn cảnh hội thảo 

Ngoài ra, nhà trường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng các phần mềm mô phỏng và nền tảng học trực tuyến để sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới và phát triển kỹ năng thực hành. Không những vậy, nhà trường đầu tư mạnh mẽ vào phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và tiếp cận công nghệ mới. Các giải pháp này hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, giảng viên cần được tham gia giải quyết các vấn đề tại doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các khóa đào tạo, hội thảo và chương trình trao đổi học thuật quốc tế, giảng viên cần được tiếp cận với các công nghệ và phương pháp giảng dạy tiên tiến, đồng thời tham gia các chương trình trao đổi học thuật quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Trường học cần tuyển dụng thêm những giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong ngành cơ khí, đảm bảo chất lượng giảng dạy và phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. 

z5885220834580-935821d2ce9413a5386adf0b66957e28-1727761488.jpg
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí

Đào tạo nguồn nhân lực Khoa học công nghệ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nền sản xuất cơ khí hợp chuẩn là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của các trường Đại học. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Sự đầu tư và đổi mới trong giáo dục, đặc biệt là trong ngành Cơ khí sẽ tạo ra nguồn nhân lực chật lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đây không chỉ là yếu tố quyết định đến sự thành công của các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành Cơ khí Việt Nam trên bản đồ thế giới, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

DIỆU NHI - DANH DUY