Quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 120.096 ha của huyện Mù Cang Chải, gồm 1 Thị trấn và 13 xã. Theo quy hoạch, huyện Mù Cang Chải được định hướng là huyện du lịch tiêu biểu, phát triển bền vững của tỉnh Yên Bái. Là huyện có nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội phát triển ổn định, bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần người dân, dân trí ngày một nâng cao; tiên tiến, đậm đà, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; là một cấu phần năng động, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Yên Bái và gắn kết chặt chẽ với đảm bảo Quốc phòng-An ninh
Trên tổng diện tích quy hoạch 1.197,8 km2, Mù Cang Chải sẽ được quy hoạch xây dựng và phát triển 5 tiểu vùng dựa trên đặc trưng lãnh thổ gồm: Tiểu vùng 1 là khu trung tâm dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch; Tiểu vùng 2 là vùng kinh tế năng lượng, dược liệu, thủy sản, nghỉ dưỡng hồ; Tiểu vùng 3 là vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu và dự trữ sinh quyển, rừng; Tiểu vùng 4 là vùng trọng điểm phát triển du lịch mạo hiểm - nghỉ dưỡng tự nhiên và Tiểu vùng 5 là vùng kinh tế nông - lâm nghiệp đặc trưng của địa phương. Mỗi tiểu vùng đều được xác định cụ thể về quy mô, tính chất, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và danh mục dự án chiến lược đi kèm.
Có thể thấy, trong những năm qua hoạt động du lịch của huyện Mù Cang Chải bước đầu có nhiều khởi sắc, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng cao. Mù Cang Chải đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, là một năm thành công đối với du lịch của huyện, lượng du khách đến với huyện huyện 350.000 lượt, đạt 166,7% kế hoạch; doanh thu từ du lịch đạt 270 tỷ đồng, đạt 174,2% kế hoạch thông qua các hoạt động ý nghĩa, có tính lan tỏa cao, tạo ấn tượng sâu sắc, thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Việc đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 -2025 là cơ sở để huyện vùng cao Mù Cang Chải định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải. Tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện, với mục tiêu sớm đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện tiêu biểu về phát triển du lịch bền vững của tỉnh Yên Bái trong tương lai.
Phó bí thư thường trực huyện ủy Mù Cang Chải - Giàng A Vừ cho biết: “ Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 -2025 sẽ đạt được những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Hoạt động du lịch của huyện phát triển sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị, tăng cường hội nhập và giữ gìn. Nâng cao các giá trị văn hóa và truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho nhân dân, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững…”
Với những hiệu quả từ đề án sẽ giúp phát triển đồng bộ, góp phần đẩy mạng đầu tư và giao lưu liên vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, tiến tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện và của tỉnh.
Khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh sản phẩm du lịch cao cấp, có qui mô lớn, đồng bộ, hiện đại và chất lượng cao, sản phẩm du lịch mới, các dịch vụ liên quan đến du lịch như: Dự án đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch, trung tâm mua sắm, khu phức hợp thương mại, vui chơi giải trí, làng du lịch, dịch vụ ăn uống…và các loại hình du lịch mới. Đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng của người Mông tại bản Hùa Khắt, xã Nậm Khắt, bản Háng Phù Loa, xã Mô Dề, bản du lịch cộng đồng người Thái Tà Sung, xã Cao Phạ thành các điểm du lịch.
Xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng tại các điểm du lịch cộng đồng với chức năng là nơi sinh hoạt giao lưu giữa du khách và người dân, điểm biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch để chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị và hòa mình cùng thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.
Bảo tồn phát huy các giá trị, văn hóa gắn với phát triển du lịch như trưng bày các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ( người Mông), khôi phục những nét văn hóa đặc trưng, giữ nguyên bản sắc và các giá trị nguyên bản ( trang phục, ẩm thực, lễ hội truyền thống, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán…). Thành lập các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các xã, thị trấn phục vụ du lịch. Tổ chức các lễ hội truyền thống ( Lễ mừng cơm mới, lễ hội Gầu táo…), gắn với tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch thường niên ( lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Lễ hội mùa nước đổ, Lễ hội mùa vàng, Lễ hội khèn Mông, Tết độc lập…). Phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm phục vụ du khách. Phát triển các sản phẩm du lịch khác của Mù Cang Chải như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm Mù Cang Chải về đêm, các hoạt động vui chơi, giải trí…
Bên cạnh đó mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng để thu hút các dự án đầu tư du lịch chất lượng cao như khu vui chơi giải trí, tổ hợp nhà hàng, khách sạn cao cấp, thu hút các dự án đầu tư các loại hình du lịch mới hấp dẫn khách du lịch như du lịch thể thao, mạo hiểm, du lịch nghiên cứu sinh thái…phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống của người dân. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, tiêu biểu. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Với đặc điểm tự nhiên - xã hội của Mù Cang Chải, phát triển du lịch đang là một lợi thế, một nhiệm vụ lớn và là mục tiêu phát triển bền vững của huyện.
Một số hình ảnh du lịch của Mù Cang Chải