Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý 3/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề.
Để “trợ thở” cho người lao động gặp khó khăn và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sau Nghị quyết 42 với gói hỗ trợ 62.000 tỷ năm 2020, năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành và triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách lớn như Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ gồm 12 chính sách lớn như giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc, người lao động chấm dứt hợp đồng... Hay gần đây nhất là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ BHTN theo Nghị quyết 116.
Về mức độ thực hiện, giải ngân, tính đến giữa tháng 11/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 là 27,29 nghìn tỷ đồng với 27,63 triệu lượt người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ.
Còn theo Thống kê của BHXH Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 116, tính đến hết ngày 17/12/2021, toàn ngành đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho 12.618.184 lao động.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đến nay, Bình Dương đã hỗ trợ cho hơn 12.000 đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116.
Với Nghị quyết 68/NQ-CP, ông Tuyên cho rằng các chính sách hỗ trợ đã phát huy tác dụng hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Tuy nhiên còn một số chính sách hỗ trợ ít thu hút người lao động và doanh nghiệp tham gia thụ hưởng. Cụ thể, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân do sau khi tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì doanh nghiệp phải đóng bù cùng kỳ với đóng phát sinh mới vào quỹ nên không kích thích doanh nghiệp/đơn vị đề nghị hỗ trợ.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động cho đến nay chưa có hồ sơ đề nghị do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn đang cố gắng bằng nhiều giải pháp tiếp tục hoạt động theo ngành nghề, công nghệ hiện tại mà chưa có nhu cầu thay đổi công nghệ hoặc tái cơ cấu lao động.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đánh giá, các gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong năm 2021 của Chính phủ theo Nghị quyết 68 và gần đây nhất là Nghị quyết 116 ngày càng hoàn thiện về quy trình xử lý, thủ tục đơn giản hóa, có sự tiếp thu ý kiến của người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 đã thực sự phát huy được tác dụng, lần đầu tiên người lao động rất hài lòng vì nhận được hỗ trợ nhanh chóng, chính xác. Trong thời hạn 45 ngày, về cơ bản đã giải quyết hết chế độ cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Với Nghị quyết 68, ông Vũ Minh Tiến cho rằng chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động và doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thực sự thu hút nhiều đối tượng tham gia.
“Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động là cần thiết, nhưng mang tính lâu dài. Trong thời gian dịch bệnh, cấp bách, người lao động và doanh nghiệp đang có nhu cầu giải quyết việc làm trước mắt, có tiền lương, có đơn hàng, phục hồi sản xuất. Cũng bởi vậy mà chính sách này chưa thực sự thu hút người lao động và doanh nghiệp tham gia”, ông Vũ Minh Tiến nói.
Dưới góc nhìn khách quan, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, Chính phủ chia sẻ với người lao động, nhưng ngược lại, người lao động và doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khi nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn vẫn đề xuất trong quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ cần đặc biệt chú ý tới nhóm lao động yếu thế như phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người lao động đau ốm, lao động di cư… để có những chế độ hỗ trợ đặc thù hơn. Theo ông Vũ Minh Tiến, cần chia nhỏ các đối tượng thành từng nhóm theo mức độ từ rất khó khăn, khó khăn và nhóm bình thường để có hỗ trợ phù hợp.
Để các chính sách được thực hiện nhanh gọn, chính xác, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn cho rằng cần đẩy mạnh việc số hóa, liên thông dữ liệu về lao động, dân cư để theo dõi những biến động về thị trường lao động, từ đó thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhanh chóng kịp thời hơn.
Cần quan tâm đến nhóm lao động tự do
Trong khi đó, PGS.TS Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đã thiết thực, kịp thời hơn. Tuy nhiên, lao động phi chính thức là nhóm dễ bị tổn thương nặng nề cho đại dịch, dù Chính phủ đã có những chính sách quan tâm nhưng vẫn còn một lượng lớn người lao động nhóm này chưa tiếp cận hoặc chậm tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương vẫn dùng các phương pháp rất thủ công như lên danh sách, xác nhận đối tượng khiến quá trình thực hiện còn xác định sai đối tượng hoặc các đối tượng nhận được hỗ trợ chậm hơn so với dự kiến.
Nói về kinh nghiệm thực hiện các gói hỗ trợ của các nước trên thế giới, PGS.TS Giang Thanh Long dẫn chứng, tại Thái Lan vào tháng 4/2020, Chính phủ cũng công bố gói hỗ trợ 117 tỷ bath tương đương khoảng 3 tỷ USD. Nước này hỗ trợ tất cả những lao động phi chính thức với mức 5.000 bath, tương đương khoảng 125 USD. Thay vì để chính quyền địa phương, Bộ Lao động hay bất kỳ cơ quan nào về quản lý lao động phải đi xác định thì người lao động có thể đăng ký để nhận hỗ trợ qua ngân hàng.
Ví dụ người lao động Thái Lan có thể đăng ký qua website của ngân hàng nông nghiệp hay ngân hàng chính sách hoặc trên website của Bộ Lao động Thái Lan hay những website chuyên đăng ký về lao động thất nghiệp. Sau khi có thông tin chính quyền địa phương rất đơn giản để xác định. Sau 1 tuần công bố website có 28 triệu người đăng ký, qua sàng lọc chỉ còn 14 triệu người được hưởng, còn lại 14 triệu người trùng với các chính sách khác. Bằng cách làm này, thông qua dịch Covid-19, Thái Lan đã có thể số hóa dữ liệu nhiều lao động phi chính thức, tạo thuận tiện cho việc thực hiện những chính sách về sau./.