Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Điểm nổi bật trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
luat-hoa-chu-truong-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-dam-dot-pha-01-1654485314.jpg
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Khoa Linh).

Thời gian qua, chúng ta đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và đã xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây hậu quả thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, mở ra định hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ hành động vì lợi ích chung, đề xuất cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực. Kết quả này góp phần quan trọng tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, ghi nhận trong các phiên thảo luận tại hội trường cũng như trao đổi ý kiến bên hành lang Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi hiện nay nổi lên một vấn đề, tuy chưa phổ biến, nhưng rất đáng lưu ý, đó là: Trong thực thi công vụ, xuất hiện “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không nói đến những đối tượng cố tình làm sai để trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị “nhiễm bệnh”.

Có người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không? Nếu sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm. Có ý kiến dẫn chứng: Một số vụ án liên quan ngành y tế vừa qua đã tác động tâm lý của không ít cán bộ, khiến việc tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại...

Thực trạng này nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Có nhiều nguyên nhân, trước hết là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm cho nên trông chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trong khi người có thẩm quyền quyết định lại không dám tin cấp dưới. Thế nhưng, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân từ phía quy định của pháp luật đang có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa minh bạch, chưa cá thể hóa trách nhiệm.

Từ thực tiễn công tác ở ngành kiểm sát, đại biểu Lê Minh Trí (thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội xem xét, rà soát sửa đổi một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Thí dụ, khoản 1 Điều 219 quy định “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Theo Bộ luật Hình sự cũ, chỉ có người cố ý làm trái và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự, nhưng theo Điều 219, chỉ cần vô ý hoặc là do bên dưới đề xuất mà cấp trên không kiểm soát được dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu cho tới dưới 300 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Đây là một quy định rất nghiêm khắc, gây áp lực và có thể tạo ra rủi ro cao trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay... Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu là điểm tựa quan trọng để đội ngũ cán bộ hành động, nhưng khi họ thực hiện nhiệm vụ mà gặp rủi ro, vô ý để xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền căn cứ vào quy định pháp luật nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì cái chung?

Bên cạnh lựa chọn đúng cán bộ vào từng vị trí công tác, có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo, thì cần kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật cụ thể trong từng lĩnh vực. Điều đó bảo đảm cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm, bảo đảm bịt những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời, có tính răn đe, giáo dục, không để kẻ xấu lợi dụng.

Nội dung cần làm ngay đang được nhiều cán bộ, đảng viên mong mỏi là cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Việc luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 được kỳ vọng tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.