Lễ mừng thọ - Nét đẹp văn hóa của gia đình Việt

Mừng thọ người cao tuổi là nét đẹp văn hoá của người Việt, đây là phong tục tốt đẹp, phong tục này là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ ngàn đời nay của dân tộc ta.

Ngày xưa, lễ mừng thọ thường được tổ chức cho các cụ từ 60 tuổi trở lên. Ngày nay, khi đời sống được cải thiện, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng được nâng cao nên độ tuổi mừng thọ thường được bắt đầu từ 70 tuổi trở lên. 

Lễ mừng thọ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, thường là tháng Giêng. Trong lễ này, ngoài con, cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa và khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và gia đình. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng, vui vẻ và cái Tết thêm phần ý nghĩa hơn. Người Việt ta quan niệm, trong năm mới gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tâm thái của các thành viên vui vẻ thì cả năm sẽ may mắn.

nlntv-anhbajpg-1675444687.jpg
Cụ Đặng Thị Hậu 90 tuổi nhận quà
nlntv-anh2-1675444150.jpg
Cụ Ngô Bá Hiển 80 tuổi sống tại Đông Anh
nlntv-anh1-1675444145.jpg
Cụ Ngô Bá Hiển 80 tuổi sống tại Đông Anh
anh-le-mung-tho-cu-vu-kim-so-va-nguyen-thi-nu-o-thai-nguyen-1675303218.jpg
Lễ mừng thọ cụ Vũ Kim Sơ và Nguyễn Thị Nụ ở Thái Nguyên

   Năm nay, vợ chồng cụ Vũ Kim Sơ và Nguyễn Thị Nụ, ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên đều tròn 70 tuổi nên được con cháu tổ chức lễ mừng thọ long trọng, ấm cũng trong dịp đầu năm. Hai cụ ngồi trên ghế trang trọng, con cháu lần lượt đến kính lễ cha mẹ, ông bà. Từng thành viên trong gia đình chúc hai cụ những điều tốt đẹp, thể hiện niềm tôn kính, hiếu thảo trước công lao sinh thành và dưỡng dục của hai cụ.   

anh-cu-vu-kim-so-vui-ve-trong-le-mung-tho-1675303218.jpg
Cụ Vũ Kim Sơ vui vẻ trong lễ mừng thọ

Nhận được những lời chúc tốt đẹp và tình yêu thương của con cháu, cụ Vũ Kim Sơ xúc động: "Năm nay, dịch COVID -19 không còn bùng phát mạnh nữa nên con cháu được sum vầy đông đủ. Đặc biệt, trong lễ mùng thọ hôm nay tôi rất hạnh phúc khi thấy các con, các cháu trưởng thành, lễ phép". 

anh-cu-nguyen-thi-nu-ngoi-canh-chong-trong-le-mung-tho-1675303218.jpg
Cụ Nguyễn Thị Nụ ngồi cạnh chồng trong lễ mừng thọ

Điều  làm cho hai cụ vui nhất trong lễ mừng thọ là tình yêu thương trong gia đình, chứ không phải là "mâm cao, cỗ đầy". Cụ Nguyễn Thị Nụ chia sẻ: "Tôi vui lắm! Cứ vui vẻ như thế này thì hai vợ chồng tôi sẽ sống khỏe. Sự quan tâm, hiếu kính của gia đình và làng xóm, chính quyền địa phương trong lễ mừng thọ cũng là động lực để hai vợ chồng tôi cố gắng chú ý giữ gìn sức khỏe để con cháu không phải lo lắng nhiều, yên tâm làm việc". 

Trên đời có muôn vàn điều kỳ diệu, nhưng điều kỳ diệu đẹp đẽ nhất chính là trái tim người mẹ và trái tim người cha. Có rất nhiều tình cảm trong cuộc sống, nhưng tình cảm thiêng liêng và sâu đậm nhất là tình mẫu tử và tình phụ tử. Có câu: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha".

Trong lễ mừng thọ hôm nay, chị Vũ Thị Thu Hương, 43 tuổi chia sẻ: "Tôi ghi nhớ công ơn to lớn của cha, mẹ. Ngày lễ hôm nay cũng là dịp anh, chị, em,... trong nhà cùng hàn huyên, nhắc lại những kỷ niệm của cả gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi cũng sẽ yêu thương, chăm lo cho bố, mẹ thật chu đáo. Khi con cháu (thế hệ sau) thấy điều đó cũng sẽ biết yêu thương, hiếu kính với bề trên". 

nlntv-anh3-1675444379.jpg
Mừng thọ cụ 70 tuổi ở Hà Tĩnh

Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam trong dịp đầu Xuân năm mới. Điều này thể hiện sự yêu thương, trân trọng của thế hệ sau với bậc cao niên. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích lũy qua bao năm tháng./. 

Mạnh Sáu