Lễ kỷ niệm vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí: Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận TƯ Phạm Tất Thắng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, đại diện Bộ GD&ĐT; các ban ngành TP, đại diện các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã cùng các nhà giáo tiêu biểu, gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục, đại diện các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các đơn vị, trường học trên địa bàn TP.
Công sức rất lớn của những “kỹ sư tâm hồn”
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương ôn lại lịch sử truyền thống 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam- một ngày lễ kỷ niệm có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Đây là dịp để mọi ngành, mọi nghề bày tỏ lòng biết ơn, tôn vinh công lao to lớn của các thầy cô giáo với sự nghiệp trồng người- những người đã góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Biết ơn các thầy, cô giáo, lớp lớp thế hệ học trò Thủ đô hôm nay luôn cố gắng vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, nghiên cứu, phấn đấu là những công dân tốt, lao động giỏi, lực lượng nòng cốt, chung tay, góp sức vì sự phát triển của đất nước, của Thủ đô.
“Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo TP, với sự quyết tâm của toàn ngành, Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; là 1 trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục. Những thành tích, vinh dự đó có phần đóng góp công sức rất lớn của các thầy giáo, cô giáo- những “kỹ sư tâm hồn” đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp trồng người”- Giám đốc sở GD&ĐT Trần Thế Cương ghi nhận.
Thay mặt cán bộ, giáo viên công tác trong ngành Giáo dục, Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) nêu suy nghĩ về vai trò và tầm quan trọng của công tác đổi mới giáo dục. “Mỗi chúng ta ngại ngần đổi mới tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của học sinh; đặc biệt khi chương trình GDPT 2018 đang là thước đo sự cố gắng của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo. Người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng những chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục. Thầy cô hãy là những người cởi mở và đáng tin cậy đối với học trò; cán bộ quản lý giáo dục hãy người bạn đồng hành, là chỗ dựa vững chắc của đồng nghiệp về đổi mới giáo dục để mỗi thầy cô yên tâm, làm chủ sự đổi mới, sáng tạo và biết chấp nhận thất bại để đi đến thành công...; để khẳng định nhà giáo Hà Nội có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp"- Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.
Ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện
Thay mặt Lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh gửi lời chúc mừng đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động ngành GD&ĐT nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận: Thấm nhuần lời dạy của Bác, 40 năm qua ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực, vượt qua không ít khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy và học: Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 79%; Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng CNTT phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô được nâng lên; chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới; Các mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực được hình thành và phát triển hiệu quả; Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định, là nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục mũi nhọn. Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đạt giải trong các Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Công tác liên kết, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được tăng cường, mở rộng với nhiều loại hình mới.
“Những kết quả toàn diện của Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong 40 năm qua là minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động trong ngành GD&ĐT Thủ đô”- Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, buổi lễ tôn vinh trang trọng này, bên cạnh việc tuyên dương, khen thưởng nhiều thầy giáo, cô giáo là những điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô năm 2022 và giai đoạn 1982 - 2022, còn ghi nhận rất nhiều tấm gương các thầy, cô giáo qua các thế hệ đã ngày đêm âm thầm lặng lẽ cống hiến, hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp trồng người cao quý. Sự tôn vinh đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời mà còn thể hiện niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo; đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo phải tiếp tục không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô, xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bên cạnh việc thực hiện tốt những nhiệm vụ thường xuyên, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội cần quan tâm thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TƯ, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 51 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngành giáo dục cần chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành; quan tâm phương pháp kiểm tra, đánh giá với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”; tiếp tục thực hiện những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước.
Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động tham mưu cho UBND TP về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục; xây dựng chính sách xã hội hóa giáo dục và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình giáo dục; thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP cảm ơn lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã luôn dành tình cảm, quan tâm chỉ đạo, động viên đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT Thủ đô và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo để Hà Nội từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế.