Thông qua chủ trương sắp xếp phường
Theo đó, bằng hình thức biểu quyết, HĐND TP. HCM đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP. HCM. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày thông qua (ngày 17/7/2024).
Trước đó, cùng trong kỳ họp, UBND TP. HCM đã trình tờ trình về ban hành nghị quyết của HĐND TP. HCM về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP. HCM.
Theo đó, TP. HCM sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã là 80 phường, gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề. Sau sắp xếp, TP. HCM sẽ giảm 39 phường.
Theo UBND TP. HCM, việc sắp xếp sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Sau sắp xếp, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường; giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp và chi phí xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị ở nơi có sắp xếp.
Sau khi thông qua, HĐND TP. HCM giao UBND TP. HCM hoàn thiện hồ sơ, đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của thành phố theo quy định.
Trường hợp sau khi đề án được cơ quan có thẩm quyền thông qua có sự thay đổi về nội dung so với chủ trương được HĐND TP. HCM thông qua thì đề nghị có báo cáo HĐND thành phố.
Hỗ trợ lương cho người trẻ làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Một trong số nhiều nội dung được các đại biểu HĐND TP. HCM biểu quyết thông qua là tờ trình Quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên và hỗ trợ lương đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết nghị, mức chi hỗ trợ lương đưa lao động trẻ (18 - 30 tuổi) về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và độ tuổi lao động trẻ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên các khóa đào tạo nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/1 khóa đào tạo. Trường hợp khóa đào tạo có thời gian dưới 1 tháng thì thực hiện hỗ trợ theo số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo (26 ngày/1 tháng).
Nghị quyết này được áp dụng từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí thực hiện chi theo mức chi hỗ trợ các chính sách theo quy định được bố trí từ ngân sách thành phố (nguồn chi thường xuyên).
HĐND TP. HCM giao UBND thành phố chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của thành phố và thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiện toàn nhân sự mới
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM, các đại biểu đã biểu quyết bầu Ủy viên UBND TP. HCM (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính và đồng chí Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP. HCM.
Đồng thời, bầu miễn nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Lê Duy Minh, cựu Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM và ông Đặng Minh Đạt, nguyên Chánh Thanh tra TP. HCM.
Kỳ họp cũng bầu đồng chí Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM làm Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM; đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Ủy viên chuyên trách Ban Đô thị làm Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP. HCM.
Đáng chú ý, HĐND TP. HCM đã thông qua nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 98; phân công đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM làm trưởng đoàn. Hai Phó trưởng đoàn gồm: Phó Chủ tịch HĐND TP. HCM Phạm Thành Kiên và Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. HCM Lê Trương Hải Hiếu.
Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát tại các phiên họp của Thường trực HĐND TP. HCM và báo cáo để HĐND TP. HCM tiến hành giám sát tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2025.
Miễn học phí cho học sinh THCS và Mầm non
Dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn đã được HĐND TP. HCM thông qua.
Đáng chú ý, theo nghị quyết này, trẻ em Mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.
Ngoài ra, nghị quyết cũng quy định về mức học phí mới cho các bậc học, học phí mới này giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học; được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận; nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện còn lại.
Riêng với cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí từ năm học 2024 - 2025 từng cấp học như sau: Nhà trẻ 200.000 đồng/tháng (nhóm 1), 120.000 đồng/tháng (nhóm 2); mẫu giáo 160.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2); tiểu học 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THCS 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THPT 120.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2).
Mức học phí đối với cấp Tiểu học quy định tại nghị quyết này là căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đảm bảo trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí bằng 50% so với mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2024 - 2025.
Tạo nền tảng cơ bản từ Nghị quyết 98
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, kể từ khi có Nghị quyết 98, nhiều chính sách quan trọng của thành phố đã được UBND trình HĐND thông qua nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn mới.
TP. HCM cũng đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, bố trí các chức danh Phó Chủ tịch UBND, HĐND TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND 5 huyện và 51/52 xã phường 50.000 dân trở lên. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84 về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP. HCM
Một điểm sáng nữa trong thực hiện Nghị quyết 98 là thành phố đã triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã nhận 48 hồ sơ, trong đó 21 hồ sơ đã được chọn, 15 hồ sơ được cấp kinh phí thực hiện.
“Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, đến nay thành phố mới giải ngân được 14,5%, tiến độ chậm hơn mục tiêu. UBND thành phố đang giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, có mốc thời gian rõ ràng, thành lập các tổ chuyên trách để đôn đốc công việc hàng ngày…”, Chủ tịch UBND TP. HCM nhìn nhận.
Về chuyển đổi số, thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TP. HCM; hoàn thành rà soát cơ sở vật chất để phục vụ chuyển đổi số trên toàn thành phố; hoàn thiện vận hành thống nhất hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; vận hành một số nền tảng mới áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ…
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; triển khai tín chỉ carbon; đề án TOD; đường sắt đô thị… Bên cạnh đó, trong quý 3, 4/2024, thành phố sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để xúc tiến đầu tư vào các dự án theo cơ chế của Nghị quyết 98.
Ý kiến đề xuất của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, nửa đầu năm 2024, HĐND TP. HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã tổ chức 4 kỳ họp, thông qua 90 nghị quyết, công tác giám sát có hiệu quả; triển khai nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả các nghị quyết, bám sát chủ đề năm.
Đồng thời, thành phố đã tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc, điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành nhiều dự án hạ tầng trọng yếu, chuyển đổi số đạt kết quả tích cực,...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục như nhiều chỉ tiêu chưa đạt, nhiều vấn đề chưa tháo gỡ dứt điểm.
Ví dụ như về chính sách đất đai, Luật Đất đai sửa đổi, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên thì cần cụ thể hóa để triển khai, sớm đưa vào cuộc sống vì việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, góp phần quan trọng làm lành mạnh thị trường bất động sản, đảm bảo thực thi các nhiệm vụ mục tiêu xã hội, đóng góp cho sự phát triển thành phố.
Đối với nhiệm vụ sắp tới, lãnh đạo Thành ủy TP. HCM nhấn mạnh cần thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của thành phố.
Bí thư Thành Ủy Thành phố cho rằng trước mắt là khẩn trương tuyên truyền, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện các nghị quyết, luật đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Đồng thời, triển khai Nghị định 84 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý để thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Nhiều dự án được thông qua
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP. HCM thống nhất thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 10 dự án đầu tư công nhóm B, gồm: Dự án Thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố; Dự án Xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa đoạn 1.1, Phường 25, quận Bình Thạnh; Dự án Nâng cấp, cải tạo Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7; Dự án Cải tạo, xây dựng mới Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh; Dự án Cải tạo, xây dựng mới Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh; Dự án Xây dựng mới Trường Tiểu học Phường 14 tại cụm kho hẻm số 7 Thành Thái, Quận 10; Dự án Mở rộng đường D3, Phường 10, quận Gò Vấp (đoạn từ Phan Văn Trị đến đường Quang Trung); Dự án Mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Mạc Vân, Quận 8; Dự án Mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy), huyện Củ Chi.
HĐND thống nhất thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, điều chỉnh tăng số vốn hơn 8.407,4 tỷ đồng.
Đồng thời, điều chỉnh giảm số vốn theo đề xuất của các đơn vị, trong đó giảm vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, với hơn 222,9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung, với hơn 8.176,9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn các dự án trước đây sử dụng vốn ngân sách TP bổ sung có mục tiêu cho các quận, gần 0,2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho các huyện, TP Thủ Đức hơn 7,3 tỷ đồng.
HĐND đặt mục tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 2.069.551 tỷ đồng; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 70% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tiếp đó, các đại biểu HĐND TP. HCM thống nhất chấp thuận thông qua danh mục 13 dự án cần thu hồi đất đăng ký mới năm 2024 để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn TP. HCM, với diện tích thu hồi đất dự kiến là 3,14 ha.
Thời hạn để thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án là 3 năm theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được công bố tính từ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện được phê duyệt điều chỉnh.
Ngoài ra, các đại biểu thống nhất thành lập Đoàn giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Giao đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng đoàn; đồng chí Phạm Thành Kiên, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP. HCM và đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. HCM làm Phó Trưởng đoàn.